Bài dự thi đạt giải ba hội thi “Viết về nghề tôi yêu” của đồng chí Ngô Thị Thu Uyên giáo viên cơ sở Nho Quan

Đồng chí Ngô Thị Thu Uyên, giáo viên chi nhánh Nho Quan

“Có một nghề bụi phấn dính đầy tay

Người ta gọi đó là nghề cao quý nhất”.

Câu thơ nổi tiếng tôn vinh nghề giáo viên – nghề dạy học – nghề trồng người. Đó cũng chính là nghề của tôi – cũng là nghề dạy học – nghề không có bảng đen, tay không bụi phấn nhưng đối với tôi nó còn cao quý và ý nghĩa hơn tất cả. Bởi, tôi là một “Giáo viên dạy trẻ đặc biệt”.

Chập chững bước chân vào nghề là cả một cái duyên rất dài đối với tôi. Đầu tiên là cái duyên khi tôi chọn ngành học, tôi – một cô sinh viên Tâm lý học còn nhớ như in khi đi kiến tập, tôi đã đánh liều chọn ngã rẽ sang con đường tìm hiểu chuyên ngành “Tâm lý trị liệu” thay vì đi kiến tập đúng chuyên ngành mình học là “Giảng dạy” chỉ vì với sự tò mò về những “đứa trẻ đặc biệt” ấy. Đó cũng chính là lần đầu tiên tôi được tiếp xúc với trẻ đặc biệt, và từ đó tôi bắt đầu biết xác định công việc sau này của mình sẽ trở thành một “cô giáo dạy trẻ tự kỷ”, để rồi tôi cố gắng và ý thức trong quá trình học tập củ mình.

Thế là đã gần 6 tháng, kể từ khi ra trường tôi đã và đang gắn bó dưới mái nhà Thiên Thần Nhỏ rồi. Sau khi ra trường tôi có thêm sự lựa chọn khi ở lại Hà Nội làm việc hoặc về quê gắn bó. Cuối cùng sự lựa chọn của tôi vẫn là trở thành một trong những thành viên đầu tiên trong mái nhà Thiên Thần cơ sở 3 – khi cơ sở bắt đầu thành lập. Mọi thứ đối với tôi lúc đó thật mới mẻ: môi trường mới, công việc mới, đồng nghiệp mới,… những nhiệm vụ mà lần đầu tiên tôi được thực hiện: những lời lẽ e ấp, những bài dạy rụt rè, chưa được hay… Có từ nào để diễn tả cảm xúc của tôi lúc đấy không nhỉ: Ngày 1, ngày 2,… ngày 7 – hết 1 tuần mà trong tôi không khỏi sự chán nản, muốn buông bỏ tất cả, mỗi ngày đi làm về là hôm sau không muốn đi làm, cảm nhận 1 ngày dài như hàng tuần vậy, tôi luôn nghĩ rằng “mình sẽ không thể cố gắng thêm được nữa đâu”, “có phải mình đã sai lầm khi chọn nghề chăng?”, muốn nghỉ việc là suy nghĩ cứ quanh quẩn trong đầu tôi nhiều nhất lúc bấy giờ. Tại vì sao? Bởi dạy trẻ bình thường đã khó, dạy trẻ đặc biệt còn vất vả hơn gấp nhiều lần. Người ta nói “nghề giáo bây giờ là một nghề của những người kiên cường và dũng cảm” thực chẳng sai đặc biệt đối với nghề dạy trẻ đặc biệt của tôi. Tôi chưa bao giờ tin rằng bản thân mình lại có thể kiên trì và dũng cảm như lúc đó. Và như các bạn biết đấy, nếu ngày đó tôi buông xuôi có lẽ bây giờ tôi đã chẳng ngồi gõ những dòng chữ này và các bạn cũng sẽ không đọc được những “lời thú tội ngọt ngào” này của tôi.

Trong lớp học đó, sẽ có những trẻ có mang những hội chứng, chẩn đoán khác nhau và mỗi trẻ có một nét riêng. Để trẻ lắng nghe và ngồi yên trên ghế khoảng 5 phút là cả một thử thách. Rồi có những trẻ xuất hiện hành vi là một lần thử thách thêm sự bình tĩnh của giáo viên chúng tôi nữa. Thậm chí tôi còn nhớ về những ngày đầu đi làm trên tay chỉ toàn là những vết xước cào cấu của học sinh – nó bỗng trở thành những kỉ niệm đẹp trong suy nghĩ của tôi. Nếu có thể bạn được đến thăm một lớp học của trẻ đặc biệt nào đó, bạn sẽ thấy được sự nhọc nhằn, vất vả của các thầy cô ở đây vì ở lớp học này, giáo viên chúng tôi không chỉ dạy cho trẻ kiến thức mà còn phải cho trẻ từng hoạt động hay những kĩ năng trong cuộc sống như: rửa tay, xỏ tất, đeo khẩu trang hay những cái vẫy tay, cái quay đầu lại khi nghe cô gọi tên…bạn sẽ thấy tất cả đều rất đơn giản phải không nhưng đó là đối với trẻ bình thường còn để làm được những điều này chúng tôi phải mất cả 1 tháng trời hoặc thậm chí nhiều hơn nữa, đó không chỉ cần sự kiên trì của giáo viên mà còn là sự nỗ lực hết mình của các con nữa và còn có cả niềm tin tưởng, ánh mắt tràn đầy hy vọng của những phụ huynh giành cho chúng tôi. Yêu lắm, thương lắm những bàn tay bé nhỏ khi nắm lấy tay cô, yêu lắm những khuôn mặt nhỏ nhắn, nụ cười rạng rỡ khi con đến lớp, yêu lắm những cái ôm thơm thật chặt của các các “Con có yêu cô không – Có ạ”. Chỉ bấy nhiêu thôi, tôi cũng chỉ cần như thế thôi đã là nguồn động lực lớn lao của cô rồi. Mỗi ngày trôi qua và nhìn các bạn nhỏ của cô ngày càng tiến bộ, cô lại có thêm động lưc với nghề.

Bạn có nghĩ về niềm vui của chúng tôi là gì không? Chúng tôi, những giáo viên “dạy trẻ tự kỷ” có một niềm vui rất đơn giản đó là bỗng một ngày nào đó, khi đón con vào lớp, con đưa bàn tay ra và vẫy chào bố mẹ khi cô nói “Con chào bố/mẹ đi nào”, bắt gặp được nụ cười rạng rỡ trên khuôn mặt của những bố/mẹ lúc đó lại tiếp thêm năng lượng cho chúng tôi cả ngày làm việc đấy. Hay chỉ đơn giản khi con biết tự cầm thìa xúc ăn, con biết khoanh tay cúi đầu khi được cô thưởng… Mỗi một sự tiến bộ của các con là cả một hành trình dài phấn đấu không ngừng nghỉ của cô và của chính các con đấy.

Những buổi tối trên xe đi làm về, tỗi vẫn luôn nghĩ đến những học sinh của mình, nghĩ về Việt Anh thích được ôm, Quân luôn nói “Cô Uyên” ơi, yêu cô “uyên” quá”,… Có những lúc chính tôi cũng luyện bật âm , há miệng bật âm “a”, mím môi bật âm “b”,.. tôi lại thấy mình thật hài hước.

“Sau này khi bọn trẻ lớn và tốt nghiệp ra trường hết, nhìn lại các em mới cảm nhận được niềm hạnh phúc như thế nào vì đã cố gắng nỗ lực kiên trì dạy dỗ các bạn ấy được như ngày hôm nay” – tôi vẫn luôn lấy câu nói đó của anh Quản lý làm niềm tin, động lực phấn đấu.

Không biết bao nhiêu lời lẽ mới diễn tả được hết những tình cảm này, càng viết càng sâu lắng nhiều cảm xúc với nghề. Chỉ biết nói lời hứa cố gắng, hứa luôn yêu thương.

Cảm ơn nghề đặc biệt đã khiến tôi yêu thương theo cách đặc biệt, hạnh phúc theo cách đặc biệt và hơn tất cả đã nuôi nấng tình yêu, sự cảm thông chân thành trong tâm tư của một cô giáo trên con đường “Gieo chữ trên đá”.

Giáo viên: Ngô Thu Uyên

Cơ sở 3 Nho Quan

*****