Giao tiếp là quá trình diễn ra giữa hai hay nhiều người và cần có sự lần lượt, trong quá trình này chúng ta bắt chước và luân phiên. Bắt chước là việc lặp lại gần giống hoặc giống hệt âm thanh và hành động của người khác và Luân phiên là sự tiếp nối lần lượt và tương đương nhau của hai hoặc nhiều người. Chúng ta thực hiện bắt chước và luân phiên qua: cử động nét mặt, hành động, hoạt động với đồ vật, âm thanh, từ ngữ,…
Trong thực tế, trẻ nhỏ học cách bắt chước và luân phiên người khác một cách tự nhiên trong khi chơi và trong các hoạt động hàng ngày. Đối với trẻ em rối loạn phổ tự kỷ, bắt chước và luân phiên là hai kỹ năng quan trọng cần dạy cho trẻ trong khi tương tác, trước hết người lớn đóng vai trò chủ động và làm phần lớn hoạt động bắt chước, sau đó trẻ có thể chỉ bắt chước chút ít.
Để giúp trẻ học cách bắt chước, một vài kỹ thuật quan trọng đó là:
Kỹ thuật Hãy bắt chước trẻ: người lớn bắt chước trẻ tất cả cử chỉ, động tác và âm thanh lúc trẻ chơi với đồ chơi, vì thế cần có hai đồ chơi gần hoặc giống hệt nhau.
Kỹ thuật Mô tả sự bắt chước của bạn: người lớn mô tả, diễn giải hoặc bình luận những gì mà bạn và trẻ đang làm, để làm nổi bật thực tế là bạn đang làm giống trẻ, nhớ là điều chỉnh ngôn ngữ của bạn cho phù hợp với khả năng tiếp nhận của trẻ và làm mẫu ngôn ngữ xung quanh những điều trẻ thích.
Kỹ thuật Làm mẫu một kỹ năng mà bạn muốn trẻ bắt chước: Khi làm mẫu chơi với đồ chơi gần giống hoặc giống hệt như đồ trẻ đang chơi, hoạt động này phải hấp dẫn và phù hợp với mức độ chơi của trẻ để trẻ có khả năng muốn bắt chước. Khi làm mẫu cử chỉ, cần phóng đại/ làm rõ cử chỉ có liên quan đến đồ chơi mà trẻ đang chơi và diễn tả cử chỉ đó kèm theo một từ liên quan. Hãy bắt đầu làm mẫu với những hoạt động thân quen và mô tả bằng cách đơn giản nhất.
Kỹ thuật Hãy đợi trẻ (Thời gian chờ đợi): Hãy chờ đợi sau khi bạn làm mẫu và mô tả hành động, cho trẻ cơ hội bắt chước bạn một cách tự nhiên. Nếu trẻ không tự nhiên bắt chước, hãy làm mẫu hành động một lần nữa cùng với diễn tả bằng lời cho đến 3 lần.
Kỹ thuật Giúp trẻ bắt chước: Nếu trẻ không bắt chước sau 3 lần bạn làm mẫu, hãy giúp trẻ bắt chước hành động của bạn. Bạn có thể sử dụng lời nhắc, như “con làm đi”,… Nếu trẻ không có phản hồi, hãy trợ giúp trẻ bằng cử chỉ để trẻ bắt chước bạn.
Kỹ thuật Củng cố/Phần thưởng: Chỉ cần trẻ bắt chước bạn, hãy khen ngợi trẻ và cho trẻ chơi với đồ chơi trẻ thích một lúc. Nên khen ngợi bất kỳ nỗ lực bắt chước nào của trẻ, ngay cả khi nó không phải hoàn hảo. Một khi trẻ đã bắt chước, bạn hãy quay lại bắt chước trẻ.
Nguồn: Tham khảo Tài liệu Hỗ trợ phục hồi chức năng cho trẻ em tự kỷ tại Việt Nam (Tài liệu dành cho phụ huynh và người nuôi dưỡng)
Bài viết liên quan: