MỘT SỐ NGUYÊN LÝ CƠ BẢN LÀM VIỆC VỚI TRẺ CÓ RỐI LOẠN PHÁT TRIỂN

MỘT SỐ NGUYÊN LÝ CƠ BẢN LÀM VIỆC VỚI TRẺ CÓ RỐI LOẠN PHÁT TRIỂN

Tài liệu dành cho gia đình có trẻ có rối loạn phát triển (RLPT)

 

Nhóm tác giả: Trần Văn Công; Hoàng Ngọc Khuyến; Nguyễn Thị Duyên; Vũ Thị Thu Hiền; Vũ Văn Thuấn

 

Trẻ có rối loạn phát triển là những trẻ em gặp vấn đề như khuyết tật trí tuệ (trễ về phát triển), rối loạn phổ tự kỷ, tăng động giảm tập trung; trễ về phát triển ngôn ngữ… gặp khó khăn trong sự phát triển nhận thức, trí tuệ, ngôn ngữ, vận động…

Trẻ có rối loạn phát triển thường không khác biệt về hình dáng bề ngoài hay hình thái não bộ, nhưng khác biệt về chức năng và cách tiếp nhận, xử lý và truyền thông tin trong não bộ. Trẻ có thể gặp khó khăn trong việc để ý, chia sẻ, bắt chước, chú ý; có thể gặp khó khăn về tiếp nhận và xử lý thông tin thị giác, thính giác, tư duy trừu tượng… vì vậy sẽ khó khăn hoặc không tiếp thu được những thông tin mà những trẻ em khác thu nhận được một cách thông thường và tự nhiên (thông qua quan sát, bắt chước, để ý người khác). Do đó, người lớn cần tiếp cận trẻ theo một cách khác. Nói cách khác, người lớn cần nhìn nhận, hiểu trẻ, giao tiếp, chơi, dạy, hướng dẫn trẻ theo một cách khác để trẻ có thể tiếp thu được. Để làm được điều này, có một số nguyên lý sau đây:

  1. Hiểu đúng vấn đề của trẻ

Giống như việc uống thuốc để trị bệnh, việc dạy – can thiệp cho trẻ có RLPT cũng cần “đúng liều”, “đúng thuốc” cho “đúng bệnh” của trẻ thì mới hiệu quả. Nếu can thiệp không đúng cách, đúng chương trình và đúng hướng, sẽ làm mất thời gian của trẻ và gia đình, thậm chí gây hại. Việc đánh giá đúng vấn đề của trẻ sẽ giúp xác định đúng hướng đi, đúng cách và đúng chương trình.

Để nắm bắt được đúng vấn đề của trẻ, cần có sự đánh giá và chẩn đoán một cách kỹ lưỡng và cẩn trọng bởi những chuyên gia được đào tạo tốt.

  1. Biết trẻ đang “ở đâu”

Người lớn thường “nhìn nhận” đứa trẻ theo tuổi phát triển của nó, giống như kinh nghiệm của họ về những đứa trẻ khác. Tuy vậy, trẻ có RLPT tương đối khác với những trẻ em khác về nhiều mặt mà không dễ dàng nhìn thấy được. Ví dụ, trẻ 4 tuổi nhưng chưa nói được mà chỉ ê a những âm không rõ nghĩa thì khả năng ngôn ngữ (và nhiều khả năng là khả năng nhận thức) chỉ tương đương với trẻ khoảng 1 tuổi. Trẻ nói được câu 2 từ và phải nhắc, và thường là lặp lại, thì chỉ tương đương với trẻ khoảng 2 tuổi. Nếu trẻ không nhìn mắt, không để ý người lớn, không bộc lộ cảm xúc thì có khi sự phát triển về khả năng tương tác và giao tiếp xã hội còn chưa được bằng trẻ 1 tuổi.

Vậy thì, khi trước khi bắt đầu làm việc với trẻ, cha mẹ nên cố gắng nắm được vấn đề con mình gặp phải là gì, và từng lĩnh vực phát triển của con đang ở mức nào.

Vì khi tương tác với trẻ, cần ý thức việc trẻ đang phát triển ở mức nào theo các lĩnh vực khác nhau, và có cách giao tiếp, ứng xử và dạy phù hợp với mức độ phát triển đó. Ví dụ, bắt trẻ có khả năng nhận thức hay giao tiếp chỉ tương đương với trẻ 1 tuổi làm theo những yêu cầu phức tạp (con nói “Chào cô đi”) là không khả thi.

Vấn đề mà trẻ gặp phải và sự phát triển ở từng lĩnh thường sẽ có trong những bản đánh giá chi tiết. Gia đình nên dựa vào đó để lấy “điểm xuất phát” trong giao tiếp, dạy dỗ và hướng dẫn trẻ.

Dựa vào bản đánh giá chi tiết với từng lĩnh vực cụ thể, cộng với việc hiểu về khả năng của con mình phụ huynh có thể lên một danh sách. Danh sách này có các lĩnh vực, mỗi lĩnh vực sẽ có những mục: (1) Những điều trẻ làm được; (2) Những điều trẻ làm được nhưng vẫn phải cần hỗ trợ hoặc nhắc nhở; (3) Nhưng điều trẻ chưa làm được đến thời điểm hiện tại. Sau đó, khi nhìn lại danh sách từng lĩnh vực phụ huynh sẽ biết được mình sẽ bắt đầu từ đâu với con của mình.

  1. Hiểu và tôn trọng đặc điểm riêng của trẻ (tính cách, phong cách học…)

Đặc điểm riêng của trẻ thường bao gồm 2 phần: tính cách của trẻ và phong cách học (hay tiếp nhận thông tin) của trẻ. Về tính cách, có trẻ hiếu động, nghịch ngợm, có trẻ nhút nhát, thụ động. Trẻ bị RLPT không có nghĩa là trẻ không có những đặc điểm tính cách riêng hay sự phát triển tâm sinh lý như những trẻ em khác.

Về kênh tiếp nhận thông tin, có trẻ đáp ứng tốt hơn với kênh nghe người khác nói (ví dụ trẻ tăng động giảm tập trung), có trẻ đáp ứng tốt hơn với kênh thị giác (ví dụ trẻ tự kỷ), có trẻ tập trung ngồi học được khá lâu (chỉ kém trí tuệ đơn thuần) hay chỉ học được rất ngắn. Với từng đặc điểm riêng như vậy, việc giao tiếp hay dạy trẻ cũng cần phải thiết kế khác đi.

Bên cạnh đó, chúng ta cần tôn trọng những đặc điểm riêng và tính cách ấy để tìm ra biện pháp phù hợp với trẻ trong quá trình sinh hoạt và học tập, chúng ta không nên hoàn toàn bắt trẻ thực hiện theo ý của người lớn, theo một chuẩn mực chung vì nếu không vô hình dung sẽ gây nên ức chế cho trẻ, từ đó nảy sinh nhiêu hành vi tiêu cực ở nhà trường, ảnh hưởng đến việc học tập của trẻ và của bạn bè xung quanh

  1. Tiếp cận trẻ theo sự chủ động của trẻ

Người lớn thường hướng dẫn và dạy dỗ trẻ theo kiểu một chiều, có nghĩa là người lớn nói và trẻ nghe và làm theo. Đây không phải là cách tốt nhất nhưng nó vẫn có hiệu quả với trẻ phát triển bình thường, vì có thể nghe, hiểu, để ý, bắt chước theo. Tuy vậy, cách này thường ít hiệu quả với nhóm trẻ có RLPT vì những khó khăn nêu trên.

Một cách tiếp cận hiệu quả hơn là hòa cùng với trẻ theo những hoạt động mà trẻ đang thực hiện hoặc yêu thích. Cách làm: bất cứ trẻ đang chơi hay làm cái gì, hãy “hòa” theo trẻ giống như một đứa trẻ khác, chơi và làm mọi thứ theo cách mà trẻ đang làm và cố gắng hiểu tại sao trẻ lại làm như vậy. Một lúc sau khi đã “theo”, hiểu trẻ và được trẻ chấp nhận (ít nhất khoảng 15 phút), người lớn mới bắt đầu đưa các bài tập, nhiệm vụ, yêu cầu vào. Việc đưa các bài học vào nên được thực hiện một cách rất nhẹ nhàng và từ từ, và cần khéo léo, uyển chuyển và linh hoạt theo diễn biến cụ thể của cuộc chơi hay đáp ứng của trẻ.

Lúc này khi chơi cùng trẻ người chơi sẽ đóng vai là bình luận viên, không hỏi trẻ, không chỉ đạo trẻ chơi hay không hướng trẻ theo cách nào.

  1. Luôn khuyến khích, động viên, nhìn nhận điểm tích cực

Con người luôn có nhu cầu được tôn trọng, được ghi nhận và được khen ngợi. Trẻ bình thường vẫn có thể học hỏi tương đối tốt mà không cần quá nhiều động viên, khen ngợi, hoặc trẻ đã đạt được các mức “khen ngợi” cao hơn, ví dụ như sự hài lòng của bố mẹ, sự thỏa mãn khi mình học tốt… Trẻ có RLPT sẽ cần những sự động viên và khuyến khích cụ thể, trực quan và tức thời hơn, ví dụ như lời khen phải to, rõ ràng, kèm theo biểu cảm; hoặc quyền lợi khác như được ăn, uống, chơi đồ chơi yêu thích…

Có những trẻ dường như không quan tâm hay thích thú với bất cứ thứ gì. Hãy kiên nhẫn quan sát, để ý và giới thiệu nhiều hoạt động, đồ chơi, đồ dùng mới đến trẻ, có thể chúng ta sẽ tìm ra một hoạt động, đồ chơi hay đồ dùng gì đó gây hứng thú cho trẻ. Bên cạnh đó, nếu trong trường hợp chúng ta không tìm được hứng thú của trẻ với bất cứ đồ dùng, đồ chơi nào thì giáo viên/nhà trị liệu/phụ huynh nên biết khơi gợi và tạo hứng thú của trẻ với các đồ dùng, đồ chơi đó. Thực ra, không phải vì trẻ không hứng thú với đồ dùng, đồ chơi đó mà đơn giản là vì con khó khăn để nhận ra vai trò, công dụng hoặc cách chơi với đồ dùng, đồ chơi đang có. Quá trình hướng dẫn trẻ chơi, bên cạnh việc cho trẻ quan sát và dạy bắt chước, ngôn ngữ, cách thức thực hiện của giáo viên nên sinh động để trẻ có hứng thú với giáo viên và với chính đồ vật mà giáo viên đang có trên tay. Các hình thức được thực hiện và lặp đi lặp lại nhiều lần tạo hứng thú của trẻ với đồ dùng, đồ chơi trong quá trình tương tác và dạy trẻ, hỗ trợ cho trẻ.

Mọi trẻ em, hay nói chung là tất cả mọi người trên trái đất này, đều có những điểm hay, điểm tích cực cần được để ý, phát hiện ra và ghi nhận.

  1. Kiểm soát cảm xúc khi làm việc với trẻ RLPT

Thực tế cho thấy, rất nhiều phụ huynh, nhà trị liệu hoặc giáo viên khi làm việc với trẻ RLPT đã đưa cảm xúc cá nhân của mình để “đối xử” và yêu cầu trẻ thực hiện giống như trẻ bình thường mặc dù chúng ta hiểu trẻ đang có vấn đề. Đôi khi phụ huynh quá kỳ vọng và mong muốn ở sự tiến bộ của trẻ nên dẫn đến cảm xúc ức chế, buồn, tuyệt vọng khi con có hành vi kỳ quái còn nhà trị liệu cũng có lúc rơi vào trạng thái bối rối không biết phải làm thế nào khi đã thử và áp dụng rất nhiều cách khác nhau nhưng không tìm thấy sự biến chuyển ở trẻ như bản thân nhà trị liệu mong muốn. Hoặc có trường hợp vì quá gắn bó với trẻ nên có một số nhà trị liệu “xỏ chân vào đôi giày của trẻ”, không hoàn toàn coi trẻ là đối tượng trị liệu nữa mà đem cả tình cảm cá nhân yêu mến thân thiết dành cho trẻ nên dẫn đến tình trạng chung là buồn nản mà không tiết chế được cảm xúc đối với trẻ. Vì vậy dẫn đến việc chính những cảm xúc của phụ huynh hoặc giáo viên, nhà trị liệu đưa vào khi làm việc cùng với trẻ càng làm tăng thêm sự “phấn khích” cho trẻ. Do đó việc kiểm soát cảm xúc khi làm việc với trẻ  RLPT là một trong những điểm tạo nên sự thành công khi giao tiếp cùng trẻ.

  1. Dạy trẻ RLPT theo “từng bước nhỏ”

Trẻ bị RLPT hầu hết đều là trẻ khó khăn trong việc tiếp thu thông tin và học những cái mới, học chậm và quên rất nhanh. Nếu chúng ta dạy trẻ theo cách thông thường thì trẻ sẽ khó học được. Do vậy một trong những nguyên lý không thể thiếu khi làm việc với trẻ RLPT là phải chia nhỏ các bài tâp (từng bước nhỏ một) và phải được luyện tập, nhắc đi nhắc lại thường xuyên cho đến lúc nào trẻ thực sự nhớ và làm được như bản năng mới chuyển sang bài tập khác.

Sau khi chúng ta đã được đánh giá biết được trẻ gặp loại rối loạn gì đưa ra phương pháp trợ giúp thích hợp và biết được trẻ đang ở đâu tức sự phát triển của trẻ là mấy tuổi chúng ta sẽ lên chương trình can thiệp cho trẻ. Từ chương trình đó chúng ta sẽ làm những bài tập dễ, gần gũi, ý nghĩa, thực tế trước sau đó mới đến bài tập khó hơn. Khi thực hiện các bài tập chúng ta có thể chia thành các bước để dạy, đầu tiên là hướng dẫn nếu trẻ không thực hiện được thì chúng ta phải làm mẫu, rồi trợ giúp hoàn toàn, sau đó là trợ giúp ít dần và luyện tập cuối cùng là khi chúng ta yêu cầu trẻ làm mà trẻ tự chủ động làm được nghĩa là bài tập đã thành công và chuyển sang bài tập khác.