XÂY DỰNG KỸ NĂNG GIAO TIẾP – VỚI TRẺ CHẬM NÓI
1/ CÁC KHÁI NIỆM:
Kỹ năng giao tiếp là điều cơ bản góp phần vào quá trình phát triển cho một đứa trẻ, những khó khăn do khả năng giao tiếp hạn chế sẽ tạo nên những tổn thất khá lớn về tâm sinh lý. Vì vậy phụ huynh cần hết sức quan tâm để tạo ra những điều kiện thuận lợi giúp trẻ hình thành và phát triển kỹ năng giao tiếp
Một điều rất quan trọng trong việc hình thành kỹ năng giao tiếp là việc tập nói cho trẻ. Khi tập nói, phụ huynh cần có sự phân biệt các khái niệm sau:
– Nói: Là khả năng phát đúng âm, biết ghép âm để hình thành từ và câu.
– Ngôn ngữ : Là hệ thống giao tiếp bao gồm từ vựng và ngữ pháp. Từ vựng có thể là từ nói, ra dấu tay, vẽ biểu tượng trên giấy. Ngữ pháp là các luật lệ về từ.
– Giao tiếp : Là hình thức truyền thông từ người này sang người khác, bao gồm các ngôn ngữ nói và ngôn ngữ cơ thể (ra dấu, nét mặt, vận động cơ thể)
Như vậy, tập nói cho trẻ trước hết phải đạt được các mục tiêu về phát âm đúng và biết cách ghép âm. Nhưng, trẻ có thể sử dụng các hình thức giao tiếp không lời để tạo ra sự thông hiểu nơi bố mẹ, và khi bố mẹ tỏ ra không quan tâm đến ý nghĩa của các dấu hiệu này, trẻ sẽ không muốn giao tiếp nữa, và như thế trẻ sẽ không thích nói nữa.
Vì vậy, bố mẹ trước tiên phải chú ý đến ý nghĩa của các ngôn ngữ không lời, không phải để đáp ứng , vì như vậy trẻ cũng không cần sử dụng đến lời nói nữa. Sự quan tâm ở đây là hiểu trẻ muốn gì, và sau đó trao đổi, diễn giải ý muốn của trẻ ra bằng lời nói.
Ví dụ: Trẻ dơ tay chỉ về phía bàn nước – Mẹ : À, con muốn uống nước! Con muốn uống nước phải không? Mẹ sẽ lấy cốc cho con, đây mẹ rót nước vào cốc này …
Khi trẻ đã có thể phát ra âm thanh với một từ ngắn gọn :
Những từ không rõ : Brừ… à à … ma ma …
Những từ bao hàm : Không… gì? (áp dụng cho cả việc hỏi và trả lời)
Ngưòi mẹ có thể dựa vào tình huống để diễn giải ra : À, con muốn gì? Uống nước phải không? Con muốn ăn bánh hả ? .
Trẻ cũng có thể không nói, nhưng sẽ gây ra những tiếng động để tạo sự chú ý, trong trường hợp này, ta cũng cần phải diễn giải và xem phản ứng của trẻ, chấp nhận (diễn giải đúng) hay không chấp nhận (diễn giải sai) sự diễn giải của bố mẹ.
Chúng ta đừng đòi hỏi một trẻ chậm nói phải đáp trả ngay, các câu hỏi hay sự diễn giải của mình, chỉ cần trẻ hiểu là bố mẹ có quan tâm đến trẻ, trẻ hiểu được những từ (uống nước – cái ly…) đáp ứng đúng nhu cầu của mình là đủ. Trẻ sẽ dần dần lĩnh hội và sẽ đáp ứng sau một thời gian (đôi khi cũng khá dài – đừng lo lắng, nôn nóng)
2/ TÌNH TRẠNG CHẬM NÓI:
Sự phát triển ngôn ngữ của trẻ là một quá trình hình thành ngay từ khi mới sinh ra , với một trẻ bình thường không có những tổn thương về thính lực và trí não thì sự phát triển về ngôn ngữ có thể tạm chia ra các thời điểm như sau:
Thời điểm lời nói-ngôn ngữ:
0 – 3 tháng – Phát âm theo bản năng những thanh âm vô nghĩa- Phát triển các vận động để hình thành ngôn ngữ cơ thể diễn tả các cảm giác, nhu cầu : Đói, lạnh, sợ, ngạc nhiên, lo lắng , hài lòng, vui vẻ…
6 tháng tuổi – Bắt đầu bập bẹ các âm môi như pa,pa, mama….- Tập nhắc lại các âm mà trẻ đã nghe được.- Có khả năng diễn tả một số tình cảm qua nét mặt.
12 tháng tuổi – Nói được những từ đơn, liên quan đến những người xung quanh : bố, mẹ,bà.- Biết diễn tả một số nhu cầu qua các từ đơn: măm măm, ị, bô, bánh, cơm…- Có khả năng tạo ra những quan hệ giao tiếp qua cử chỉ- Biết chỉ các đồ vật mà trẻ muốn
18 tháng tuổi – Có vốn từ khoảng 10 – 20 từ nhưng có khả năng hiểu gấp 10 lần khả năng nói (cho thấy yếu tố quan trọng của môi trường xung quanh)- Nói được những từ có liên quan đến hoạt động và nhu cầu cơ thể- Có thể nói được những từ đôi : măm chuối, bố bế, mẹ bế, đi về …- Có thể nhắc lại các câu đơn giản: Chào bác ạ, hoan hô bé…- Nhận biết sơ đồ cơ thể (biết tên và chỉ đúng một số bộ phận)
2 tuổi – Có một số vốn từ trung bình khoảng 200 từ mà 2/3 là danh từ- Biết nói những câu ngắn : Bố đi làm, mẹ đi chợ, rửa chân tay- Có ý thức tự chủ, tự biết tên mình, nhưng chưa phân biệt được cái gì của mình, cái gì của người khác (tính duy kỷ: Cái gì nắm trong tay là của mình) – thường dùng tên (tên khai sinh hay tên gọi ở nhà) để xưng hô, chưa biết xưng con hay em, cháu với người xung quanh.
3 tuổi – Nói được những câu ngắn, có chủ từ , động từ .- Vốn từ phát triển nhanh chóng (nếu có được môi trường giao tiếp thích hợp). Nói được khoảng 200 từ, hiểu được 1000 từ, biết hát các bài hát ngắn, đọc các câu thơ, câu vè có vần điệu . Kể lại các câu chuyện ngắn dù chưa hiểu nội dung.
4 – 5 tuổi Vốn từ phát triển khá hoàn thiện, làm chủ đưọc các câu nói, có thể noí chuyện với người lớn, biết xưng hô con, cháu, trò .Biết dùng các đại danh từ : Chị ấy, chúng nó, của chị, của nó…Biết sử dụng ngôn ngữ về thời gian, không gian, biết hỏi : ở đâu, tại sao, khi nào ? – Biết phân biệt các khái niệm cao thấp, nhỏ – to, mầu sắc, sáng tối…
6-7 tuổi Ngôn ngữ đã hoàn thiện .
Như vậy, với một trẻ chậm nói, thường thì cha mẹ dễ dàng phát hiện ra trong khoảng 1- 3 tuổi với những hạn chế về phát âm và vốn từ, và khả năng cải thiện sẽ kéo dài cho đến năm trẻ được 6 – 7 tuổi. Quá thời điểm này, khả năng phát triển ngôn ngữ sẽ hết sức khó khăn.
3/ LẬP KẾ HOẠCH:
Trong việc lập kế hoạch giúp trẻ phát triển ngôn ngữ, cha mẹ phải tìm ra được những gì mà trẻ có thể làm, ta phải quan sát trẻ đang cố gắng giao tiếp bằng cách nào: Dùng điệu bộ, từ hay âm. Cũng cần phải biết trẻ có ý định giao tiếp (tích cực) hay chỉ là phản ứng (tiêu cực) trước sự kích thích của người khác.
Khi biết trẻ có ý định giao tiếp ta hãy giúp trẻ có khả năng giao tiếp với từng loại thông tin khác nhau.
Khi trẻ chỉ có phản ứng, ta vẫn chấp nhận phản ứng của trẻ nhưng cố gắng giúp trẻ chủ động hơn trong sự giao tiếp
Trong trường hợp trẻ tỏ ra không biết hay không muốn giao tiếp, ta cần có những tác động kích thích (ôm ấp, vỗ về, hỏi han, cười, nhìn trẻ) Và khi trẻ đã có phản ứng, hãy khích lệ trẻ để trẻ có thể nói (bằng lời hay bằng dấu hiệu) các nhu cầu của mình. Trẻ có thể có những phản ứng đồng ý hay không đồng ý, đôi khi chúng ta cần có những tác động để trẻ phản đối (lấy đồ chơi, bắt trẻ ngưng làm điều mà trẻ thích) nhưng là để quan sát cách (hay ngôn ngữ) phản đối của trẻ chứ không nên kéo dài, hay cố gắng trêu chọc dể trẻ phải phản ứng mạnh hơn .
Trong cuộc sống, trẻ sẽ có sự quan sát và ghi nhận những hoạt động bằng hình ảnh và ngôn ngữ xảy ra chung quanh mình . Vì vậy bố mẹ cần tích cực trong việc :
– Chào hỏi nhau, chào hỏi bạn bè, họ hàng, con cái … để trẻ học và hiểu ý nghĩa các lời chào hỏi này. Và thường xuyên tác động khi gặp trẻ bằng những câu chào hỏi.
– Mô tả, nói ra những nhu cầu của trẻ, những yêu cầu và hành động của bố mẹ, của những người xung quanh, giúp trẻ tăng cường vốn từ, sự hiểu biết.
Khi hỏi hoặc trả lời trẻ, không nên hỏi hay trả lời một cách khái quát: Con muốn gì? Con muốn chơi gì ? mà nên hỏi một cách cụ thể : Con muốn uống nước lọc hay nước cam ? (trong trường hợp trẻ chưa phân biệt được, nên đưa ra cho trẻ xem và để trẻ tự chọn lựa) Hay: Con muốn chơi búp bê hay xếp hình ?
Trước khi cho trẻ ăn, ngồi nghe nhạc, xem TV hay chơi các món đồ chơi, nên đặt ra vài câu hỏi : Con muốn ăn cơm với thịt ? Đồ nào ? Con muốn xem phim gì? Con muốn chơi gì ? … (Mặc dù có thể trẻ chưa hiểu hết ý nghĩa của các từ này, nhưng trẻ sẽ học được cách hỏi và trả lời, và dần dần khi hành động này lập đi lập lại, trẻ sẽ hiểu cơm là gì, búp bê là gì)
Khi chơi với trẻ, hãy thường xuyên đặt câu hỏi và tự trả lời (vì trẻ sẽ không thể trả lời ngay, hay chỉ có thể phản ứng bằng hành động: gật đầu, lắc đầu, đẩy ra, đưa tay tóm lấy…)
Thỉnh thoảng có thể dấu một món đồ đi và đặt ra câu hỏi : Con búp bê đâu rồi ?
Trong việc dạy trẻ, một điều rất quan trọng là cần kết hợp giữa SỰ VUI THÍCH và YÊU CẦU. Nếu muốn trẻ học tốt, trẻ phải có sự vui thích trong khi học (vì vậy việc hướng dẫn từ ngữ nên thông qua các trò chơi là chính, hay phải biến ngay cả những hoạt dộng bình thường – như ăn uống… cũng trở thành những trò chơi.
Như vậy, việc lập một kế hoạch tập nói cho trẻ phải dựa trên các yếu tố sau :
– Nói với trẻ, diễn giải ra bằng ngôn ngữ nói càng nhiều càng tốt.
– Nói và giải thích, hỏi và trả lời một cách thật cụ thể.
– Tạo ra mọi cơ hội trong mọi thời điểm và ở mọi nơi.
– Chú trọng yếu tố vui thích trong mọi yêu cầu.
4/ QUAN HỆ VỚI MỌI NGƯỜI
Phát triển sự quan hệ với mọi người là một yêu cầu thiết để giúp trẻ học cách giao tiếp. Từ nhỏ, trẻ chậm phát triển ngôn ngữ đã có sự hạn chế trong việc giao tiếp với mọi người, đặc biệt là với những người thân. Vì vậy trẻ cần được tăng cường rất nhiều sự quan hệ này thông qua các hoạt động tiếp xúc gần gũi như trong các trò chơi, cười đùa, bồng ẵm, gây tiếng động và tiếp xúc qua ánh mắt, đặc biệt là đối với bố mẹ.
Bố mẹ có thể tạo ra mối quan hệ thông qua một hoạt động cùng nhau (ăn chung, chơi chung, làm một việc gì đó trong nhà chung với nhau) hay thông qua một vật (cùng trò chuyện qua một câu chuyện kể với những con búp bê, con rối – cùng nhìn về một vật, một hình ảnh nào đó) Cùng xem tranh với trẻ, chỉ cho trẻ các hình ảnh và nhân vật với lời thuyết minh ngắn gọn rõ ràng, cụ thể và đơn giản.
Ngay cả trong các hoạt động bình thường, khi thấy trẻ có vẻ muốn hỏi (đưa mắt nhìn) ta nên nói cho trẻ biết công việc mình đang làm : Mẹ đang nấu cơm, đang soạn bài, đang xếp quần áo, đang đánh vi tính …
Lần lượt cũng là một kỹ năng quan hệ quan trọng. Trong hội thoại cần tạo ra các tình huống lần lượt. Ta nói, sau đó đợi trẻ nói, rồi ta nói (có thể trẻ đáp ứng chậm, hay rất ngắn ngủi, nhưng ta phải biết chờ đợi, khích lệ và kiên nhẫn)
Bố mẹ nên tìm ra các hoạt động đơn giản trong khi chơi với trẻ để dạy như lần lượt tung quả bóng lên – xây các tháp gỗ bằng cách lần lượt đặt các mẩu gỗ lên – lần lượt vỗ tay …
5/ HỌC BẮT CHƯỚC:
Bắt chước là một kỹ năng thiết yếu trong việc giao tiếp, trẻ có thể bắt chước hành động (ngôn ngữ không lời) và tiếng nói. Với trẻ bắt chước bằng hành động là dễ nhất, và thông qua những hành động mà trẻ có khả năng bắt chước, ta có thể đánh giá khả năng tiếp thu của trẻ. Ta có thể kích thích hay tập cho trẻ bắt chước bằng cách bắt chước chính những động tác của trẻ –
Ví dụ: Trẻ dơ tay sờ mũi, ta cũng sờ mũi trẻ sẽ bắt chước lặp lại hành vi trên, điều này sẽ tạo ra sự chú ý cho trẻ, từ đó ta chuyển sang hành động khác như sờ tai, trẻ sẽ làm theo…
Với một số trẻ tỏ ra thờ ơ trong việc bắt chước, ta hãy kiên nhẫn tập cho trẻ lập lại những động tác trên bằng cách nắm lấy tay trẻ sờ vào mũi, vào tai của ta – Sự tiếp xúc trực tiếp giữa hai cơ thể là điều kích thích cảm giác nơi trẻ (Đây cũng là một cách đánh giá, với các trẻ Tự kỷ thì việc tiếp xúc qua làn da, qua việc đụng chạm cơ thể với người khác là điều hết sức khó khăn, thậm chí có thể gặp sự từ chối hay phản ứng quyết liệt của trẻ).
Khi trẻ đã bắt đầu có hứng thú trong việc bắt chước các hành động, ta sẽ chuyển dần sang sự bắt chước các âm thanh. Cũng bắt đầu với âm thanh mà trẻ tự phát ra hay tự bắt chước. Việc khen thưởng và động viên bằng hành động (vuốt ve, xoa đầu, ôm vào lòng, cười hài lòng) hay bằng lời nói (khen ngợi) là điều quan trọng, cần tiến hành thường xuyên trong việc tập cho trẻ các hành vi bắt chước.
Thường trẻ thích bắt chước tiếng súc vật (gà gáy, chó sủa …) tiếng xe cộ, máy bay … trước khi nói được. Hoạt động này, nếu có điều kiện nên diễn ra với sự tham gia của các trẻ khác hay với các người thân trong gia đình – Bố me,anh chị cùng tham gia, cùng phát âm (trong những trò chơi) để trẻ được kích thích, khích lệ phát ra lại các âm thanh đã nghe được.
6/ KHẢ NĂNG HIỂU TỪ:
Ta hãy hình dung một người nước ngoài đến Việt Nam, hay bản thân đi ra nước ngoài mà không biết một ngoại ngữ nào, thì điều đó cũng giống như một đứa trẻ, lớn lên giữa một biển âm thanh, nghe được tất cả nhưng không hiểu đó là gì! Vì thế trẻ phải được tạo điều kiện để được lắng nghe, và được giải thích với những hình ảnh cụ thể, sinh động.
Khi ta nghe từ “mèo” ta có ngay hình ảnh một con thú nhỏ, có bộ lông mịn, hai tai nhọn, đôi mắt long lanh, cái đuôi ngoe nguẩy, và tiếng kêu meo meo rất đặc trưng. Đó chính là những ảnh có trong tâm trí của ta, do đã được ghi nhận qua nhiều lần tiếp xúc với con mèo thực. Tuy nhiên, cũng có những con thú đã tuyệt chủng như khổng tượng, khủng long… nhưng khi nhắc đến các con thú này, ta vẫn có được những hình ảnh của chúng, do đã được xem qua trên phim ảnh, trong các câu chuyện có hình ảnh minh họa … Vì vậy, đó cũng là một phương tiện giúp cho trẻ hình thành được những hình ảnh trong tâm trí, mà ta gọi đó là những hình ảnh trí tue (mental pictures) . Tuy nhiên, để làm được việc ghi nhận những hình ảnh, gắn liền nó với một danh từ nào đó, thì khả năng trí tuệ của trẻ phải phát triển đến một trình độ nhất định, và điều đó chỉ có thể có được qua tập luyện.
Ta nên biết rằng trẻ nhỏ (dưới 1 tuổi) ít khi nhìn theo một vật đang rời xa khỏi tầm mắt của chúng, vì với trẻ, hình ảnh đó không còn tồn tại nữa. Để tập cho trẻ khái niệm tồn tại, thì một trò chơi đơn giản mà rất nhiều bố mẹ đã từng chơi, đó là trò “ú òa” hay trốn tìm. Bố mẹ sẽ dùng tay hay cái quạt giấy, bìa sách, cái gối, cái mền.. che mặt mình lại, dấu người mình đi hay che một vật nào đó, rồi mở ra cho trẻ thấy, rồi lại che đi … điều này được lập đi lập lại, và sẽ tạo cho trẻ một nhận thức về sự tồn tại.
Từ khả năng này, cần phải tập cho trẻ phân biệt sự khác nhau giữa các vật, bằng cách cho trẻ chơi (tiếp xúc) với các vật, không chỉ đơn thuần là những món đồ chơi, mà có thể đó là những vật thực (trái banh, cái muỗng, cái ly, cái bàn chải ….) trẻ có thể cầm, nắm ,đập, xé, nhai thử … Từ đó trẻ sẽ khám phá ra sự khác biệt về cảm giác , trọng lượng, âm thanh, mầu sắc … Và khi trẻ đang khám phá, thì ta có thể gọi tên các vật đó, nhiều lần trẻ sẽ có khái niệm, biết được món đồ đó, và có thể nói lại vào một thời điểm thích hợp.
7/ PHÁT TRIỂN SỰ HIỂU BIẾT:
Trẻ hiểu từ trước khi dùng chúng, nhưng đó là sự hiểu biết chưa đầy đủ và không mang tính khái quát. Trẻ nhận biết một từ và nhớ nghĩa trước khi có khả năng “gọi” từ đó trong trí nhớ. Trẻ sẽ nhận biết từ “giầy” và biết đưa mắt tìm, biết chỉ vào chiếc giầy khi ta hỏi: “Giầy con đâu?”
Để sử dụng đúng, trẻ cần có hình ảnh trí tuệ đúng nghĩa của từ. Khi trẻ dùng từ “ghế”, trẻ cần biết vật đó là cái “ghế”, cái bàn không phải là cái ghế. Và trẻ cũng cần phải được cho biết, ghế có nhiều loại khác nhau, vì thế không nên tập cho trẻ ghi nhớ chỉ một hình ảnh duy nhất về ghế.
Có 5 giai đoạn khi học giao tiếp với từ mới:
1. Nhận ra từ (gắn liền với hình ảnh) sau khi đã nghe (và có thể lập lại) nhiều lần.
2. Hiểu từ (bắt đầu biết sử dụng vào một vài câu ngắn)
3. Bắt chước cách dùng từ (qua cách nói của người lớn)
4. Tự dùng từ trong các câu nói (Có thể sai, có thể không đúng ngữ pháp)
5. Có hình ảnh trí tuệ đúng, dùng đúng trong các hoàn cảnh khác nhau.
Như vậy, nguyên tắc dạy trẻ là phải biết trẻ đã ở giai đoạn nào, chỉ có thể giúp trẻ phát triển ngôn ngữ theo từng giai đoạn, khi trẻ chưa qua giai đoạn sau, thì phải kiên nhẫn động viên và rèn tập tại giai đoạn mà trẻ đã đạt được.
Với những trẻ chậm nói, bố mẹ vì cho rằng trẻ không thích nghe, không hiểu câu nói của mình, nên đã không tiếp tục trò chuyện, tạo nhiều cơ hội giao tiếp bằng lời nói, tiếp xúc qua làn da để tạo sự “thấu cảm” với trẻ. Điều đó lại càng làm cho những buổi “tập nói” trở nên khó khăn và nặng nề hơn, và lại càng làm cho bố mẹ thất vọng hơn, hay lại cố đi tìm những biện pháp, kỹ thuật, thậm chí thuốc men cao xa, mà không hiểu là lời giải đáp đôi khi rất gần, ngay trong nhà mình.
8/ CÁC HOẠT ĐỘNG – PHƯƠNG TIỆN THÚC ĐẨY LỜI NÓI :
• Dùng con rối, búp bê
• Dùng tranh ảnh, các món đồ chơi tượng hình (Con thú, đồ vật)
• Dùng các món đồ thật (ly, chén, muỗng, khăn, banh …) không bể, vỡ gây nguy hiểm.
• Dùng các tranh ảnh kết hợp với các câu chuyện kể
• Dùng các bài hát ru, bài vè, đồng dao kết hợp với các trò chơi.
• Một số phương tiện máy móc (Máy ghi âm. Băng dĩa, phần mềm vi tính…)
Trẻ thường có một khả năng tưởng tượng, hình dung đôi khi phong phú hơn rất nhiều những gì chúng ta có thể nghĩ về chúng. Vì thế chúng ta không nhất thiết phải trang bị những con rối, búp bê, tranh ảnh hay đồ chơi thật hoàn hảo, thật dễ thương (dưới mắt chúng ta) và dĩ nhiên là không cần phải là những món đồ chơi xinh xắn, đắt tiền chỉ có giá trị chưng bầy, vì thời gian trẻ thực thụ chơi một cách thích thú các món đồ này rất ngắn, nhất là khi trẻ không được phép thể nghiệm: Cắn, xé, bẻ, ném chúng !
Thậm chí chỉ với những ngón tay, có chấm thêm vài dấu chấm giả làm mắt mũi, ta đã có những con rối tí hon, dễ thương để kể cho trẻ nghe một câu chuyện sinh động và tập cho trẻ những khái niệm (cao thấp, trước sau, các con số từ 1-5)
Các phương tiện này được sử dụng với các nguyên tắc sau đây:
– Ngắn gọn, sinh động, lập lại thường xuyên với sự thay đổi hình thức, cách diễn tả.
– Giới thiệu với những câu nói đơn giản, có các từ cụ thể
– Trẻ được tham gia tích cực, được quyền “lái” câu chuyện theo ý mình
– Khuyến khích trẻ đặt câu hỏi, kích thích trí tò mò.
Chúng ta đừng mong đợi trẻ sẽ trả lời hay đặt câu hỏi đúng với mong muốn, đúng “trọng tâm bài học” , Từ một câu chuyện, trẻ có thể bẻ qua một hướng khác, hình dung ra nhiều tình huống khác nhau, và phụ huynh phải có khả năng thích ứng, linh hoạt trong điều này – mục tiêu cuối cùng là giúp cho trẻ có nhiều hình ảnh trí tuệ và nói ra được, chứ không phải những kiến thức logich về khoa học, về ngữ pháp…
Khi trẻ đã có một hiểu biết kha khá, ta có thể chơi trò đoán vật, nhớ vật để gia tăng khả năng hình dung cho các em:
Bỏ các vật vào trong một cái túi – bước một cho trẻ thò tay vào bên trong cầm lấy vật và đoán (không thấy) . Bước hai là cho trẻ nhìn vật bên ngoài túi (chỉ thấy một phần nổi lên) và phải đoán ra là vật gì .
Chúng ta có thể bầy trên bàn từ 3 – 5 vật khác nhau rồi lấy khăn che đi, sau đó giở ra cho trẻ xem, rồi đậy lại yêu cầu trẻ nhớ lại và đoán (nói đúng tên món đồ).
Cho trẻ xem và mô tả những bức tranh có vẻ ngớ ngẩn (để gây cười) : Cô gái với cái hoa trên đầu, ngựa đứng trên nóc nhà, tầu hỏa bay trên trời, giầy treo trên cây …. Buổi tối nê n có giờ kể chuyện cho trẻ nghe, bước đầu có thể là rất khó, dễ gây sự chán ngán cho bố mẹ khi trẻ tỏ ra chẳng chú ý gì vào câu chuyện, vì vậy những câu chuyện nên có sự kết hợp với tranh ảnh, với con rối, búp bê cho thêm phần sinh động và không quá dài (tối đa khoảng 5 phút).
Nên có những câu chuyện mang tính mô tả, mà trong đó trẻ là nhân vật chính.(Có thể dựa vào một câu chuyện tranh, ta thay đổi nhân vật chính trong chuyện bằng trẻ)
Các phương tiện máy móc, nếu biết sử dụng một cách khéo léo, hợp lý thì cũng tạo ra những hiệu quả tốt, nhưng điều quan trọng là bố mẹ luôn phải là người tham gia, hướng dẫn , nhắc nhở, kích thích sự quan tâm của trẻ, động viên trẻ có những phản ứng lại. Việc bỏ mặc trẻ với các phương tiện nghe nhìn là một điều hết sức tai hại.
Nếu con bạn đã 18 tháng tuổi mà chưa nói được thì đúng là chậm nói. Nguyên nhân phần lớn là do giảm sức nghe. Hãy làm một vài phép thử. Nếu đúng bé nghe kém, phải nhanh chóng áp dụng các phương pháp đặc biệt để giúp bé tập nói.
Ngôn ngữ được hình thành và phát triển trong vài năm đầu đời. Thông thường, khi được 6 tháng tuổi, bé đã bập bẹ được hai âm rõ ràng; 10-12 tháng tuổi, bé nói được một vài từ đơn giản. Đến 1-2 tuổi, bé nói được nhiều hơn và khi 3 tuổi có thể học thuộc bài hát ngắn.
Để phát triển được tiếng nói, trẻ phải nghe và nhìn được ngay từ những tuần đầu sau khi sinh. Những trẻ sinh ra không có khả năng nghe nếu không được giúp đỡ thì sẽ không biết nói. Cũng có trường hợp trẻ nghe được nhưng không nói được, nếu không được giúp đỡ, trẻ sẽ không biết cách thể hiện nhu cầu của mình.
Nếu con bạn đã 18 tháng tuổi mà chưa nói được nghĩa là bé bị chậm nói. Để đánh giá sức nghe của bé, bạn có thể làm theo cách sau đây: Tìm cái xúc xắc (nếu không có, hãy lấy một cái hộp sắt nhỏ bỏ vài viên sỏi con vào trong, khi lắc sẽ phát ra tiếng kêu). Để một người lớn ngồi đối diện với bé, còn bạn ngồi phía sau, cách bé khoảng hai bước chân mà không để bé biết. Lắc xúc xắc, nếu bé không quay đầu về phía bạn nghĩa là bé bị giảm sức nghe. Làm như thế 3 lần để khẳng định kết quả.
Nếu con bạn đúng là bị giảm khả năng nghe nói, bạn cần huấn luyện cho bé càng sớm càng tốt theo các cách sau:
Nghe và nhìn
Bạn dùng ngôn ngữ để diễn tả những điều mình muốn; có thể dùng từ ngữ kết hợp dùng động tác (như thay đổi nét mặt, cử động của tay, của thân mình). Dạy bé vừa nghe vừa nhìn, bất kể bé có đáp ứng hay không.
Bắt chước
Lúc đầu, bạn nên chọn nơi yên tĩnh. Dạy bé cách lắng nghe và cách bạn nói, sau đó bảo bé bắt chước lại. Lần lượt luyện cho bé cách phồng má thổi hơi ra rồi dùng tay để trước miệng, mũi xem hơi ra thế nào. Đặt tay bé lên môi, lên má bạn để bé cảm nhận được cử động của môi bạn mỗi khi nói. Sau đó đặt tay bé lên môi, lên má bé và bảo bé bắt chước những cử động như khi bạn nói. Bé sẽ cảm nhận được hơi phát ra và rung động của các bộ phận đó khi nói. Lúc đầu, bạn nên chọn những âm dễ nói như: a, o, u… Sau đó dạy bé những từ có âm đó, dần dần dạy những câu có từ đó.
Nhận biết từ
Dạy bé mỗi lúc một từ, chẳng hạn: bố, mẹ, ông, bà, cô, dì, chú, bác; đầu, mặt, cổ, tay, chân, bụng, lưng; đi, đứng, nằm, ngồi; quần, áo, giầy dép; nồi, xoong, bát, đĩa, chậu, xô; khỏe-ốm, no-đói, nóng-lạnh, vui-buồn…
Ví dụ: Để dạy bé từ “mũi”, trước tiên bạn phải dạy bé phát âm “m” và “ui” sau đó ghép hai âm đó lại thành từ “mũi”. Bảo bé sờ lên mũi và nói từ “mũi”. Lặp đi lặp lại nhiều lần như thế để bé nhớ.
Đối thoại
Bắt đầu nói với bé những câu đơn giản. Dạy bé đếm từ 1 đến 100; gọi tên các con vật nuôi trong nhà hay tên các đồ vật, rồi các từ so sánh như dài-ngắn, cao-thấp, các từ chỉ thời gian như hôm qua, hôm nay, bây giờ, lát nữa, lúc nãy… Để lôi cuốn được trẻ vào cuộc đối thoại, bạn nên giao tiếp với bé theo cách tự hỏi và tự trả lời.
Dạy bé nói là một công việc khó khăn, đòi hỏi bạn và những người trong gia đình phải kiên trì. Cần tạo bầu không khí tự nhiên, thoải mái như khi bé đang chơi đùa hoặc khi bạn cùng chơi đồ chơi với bé. Tạo cơ hội cho bé vui chơi cùng những trẻ khác càng nhiều càng tốt. Cần nói chậm, rõ, chuẩn; không ép trẻ nói, nhất là khi có đông người hoặc có người lạ.
Các chiến lược giúp trẻ giao tiếp thuận lợi hơn
- 1. Mở rộng: thêm từ vào những gì con bạn nói. Nếu con bạn nói “chó”, bạn có thể nói “chó ăn”, hoặc “chó đang ăn”. Việc mở rộng giúp con bạn ghép các từ.
Cố tình quên: sau khi con bạn đã quen với nếp sinh hoạt hàng ngày, bạn nên quên có chủ định một cái gì đó trong một phần của nếp sinh hoạt đó. Ví dụ, lấy sữa ra khỏi tủ lạnh và sau đó đưa cho con bạn cái cốc nhưng ko đổ sữa vào đó.
3. Tạo điều kiện cho trẻ lựa chọn: khi con bạn chỉ không chính xác những gì bé muốn nói (ví dụ như chỉ vào hướng dẫn chung của tủ lạnh), hãy cho con bạn lựa chọn giữa hai thứ và hãy cố gắng giúp bé sử dụng từ đẻ cho bạn biết bé muốn gì. Ví dụ, nếu con bạn chỉ vào tủ lạnh, bạn hỏi bé: “con muốn uống sữa hay nước cam?”
4. Học có chỉ dẫn: chiến lược này có thể ko dẫn tới việc bé nói ra từ nào vì về cơ bảnnó được sử dụng cho trẻ chưa nói được. Chiến lược này liên quan tới việc sắp xếp môi trường để tạo ra một cái gì đó hấp dẫn sự chú ý của con bạn. Có thể con bạn đang bắt đầu chơi các trò chơi thường ngày như đẩy xe ô tô lên xuống. Bạn có thể thử các trò thường ngày mà con bạn phải đẩy những vật khác lên xuống. Tuy nhiên, điều quan trọng là người lớn cần phải mô tả những hoạt động đó của trẻ. Bằng cách đó, chúng ra có thể giúp trẻ hiểu được mối quan hệ giữa hành động và từ mô tả hành động. - 5. Bắt chước: Một trong các cách tốt nhất để dạy con bạn rằng việc bắt chước thú vị (và có ích cho việc học nhiều kỹ năng) là bắt chước một cái gì đó con bạn bắt đầu. Con bạn sẽ đặc biệt thấy thú vị với sự bắt chước đó nếu đó là một việc gì đó rất ngớ ngẩn. Hãy tìm kiếm cơ hội bắt chước (ví dụ, con bạn đặt một chiếc chảo lên đầu và sau đó nhìn bạn bắt chước làm như thế). Bạn cũng có thể bắt chước các âm phát ra của bé (ví dụ, nếu con bạn nói “eee”, bạn hãy nhắc lại; nếu con bạn búng lưỡi bĩu môi ê, bạn cũng bắt chước).
6.Hãy làm cho con bạn tự quyết định: khi chơi với con bạn, hãy để cho bé lựa chọn hoạt động. Chiến lược này có thể không trực tiếp dẫn đến việc bé nói gì nhưng bằng cách thực hiện những hoạt động mà bé chọn lựa, bạn có thể nói mẫu những câu mà có thể làm cho bé thấy thích thú.
7.Làm mẫu: trẻ học nhiều thứ từ việc bắt chước. Hãy khuyến khích con bạn sử dụng các từ để nói về những gì bé đang làm bằng cách làm mẫu. Hãy chỉ ra hoặc nói những gì bạn muốn con bạn làm trước khi bạn mong bé làm được như vậy. Ví dụ, hãy cho con bạn nghe bạn nói âm hoặc từ … hoặc nhìn bạn thực hiện hoạt động trước khi bé cố gắng làm tất cả những hoạt động đó.
8. Vật mới lạ: giới thiệu một cái gì đó mới lạ vào môi trường của bé, một cái gì đó mà khác với những gì đi kèm với nếp sinh hoạt hàng ngày. Ví dụ, nếu bạn đang chơi với bé cùng với các thứ đồ chơi, bạn hãy đặt một cái chai sữa trẻ em vào giữa đống đồ chơi đó. Hãy thử xem xem con bạn có nhận thấy những thứ mới lạ hoặc những thứ ko mong đợi, hãy thu hút sự chú ý của bé tới những vật đó bằng cách nói: “Ồ, hãy nhìn cái này” trong khi bạn chỉ vào vật đó và gọi tên nó.
9. Ngoài tầm với: bạn có thể đặt một cái gì đó có chủ định mà bạn biết con bạn sẽ muốn ra khỏi tầm với của bé hoặc vào một chiếc hộp mà bé không thể mở. Việc đặt một thứ gì đó ngoài tầm với của bé sẽ tạo ra một tình huống cho con bạn phải chỉ vào thứ đó đẻ cho bạn biết bé muốn gì. Sau đó, bạn có thể cố gắng giúp con bạn nói / ký hiệu tên của đồ vật bé muốn hoặc những từ khác như “đưa cho con”, “muốn”, hoặc “làm ơn” trước khi bạn đưa cho bé đồ vật đó.
10. Tường thuật: đó là khi bạn tường thuật về hành động của con bạn. Hãy coi chính bạn là một bình luận viên. Hãy mô tả từng thứ mà con bạn làm, sử dụng ngôn ngữ ở mức độ mà bạn muốn con bạn nói hoặc hiểu. Ví dụ, nếu con bạn đang chơi trong chậu tắm của bé, hãy mô tả những gì đang diễn ra. Ví dụ: “Paul đang lấy xà phòng; Ồ, xà phòng rất trơn; Lúc này Paul đã lấy được nó; Paul đang rửa chân; Paul đang đẩy chiếc thuyền.”
11. Diễn giải ngắn gọn và rõ ràng hơn: nếu con bạn dường như không hiểu những gì bạn nói, hãy thử diễn giải bằng những từ khác. Con bạn có thể hiểu bạn hơn nếu bạn dùng các ngôn từ dễ hiểu hơn. Ví dụ: hãy nói “ngồi xuống” thay cho câu “con phải ngồi xuống và ăn xong rồi con đi thăm bà bây giờ”.
12. Kích thích bằng tranh ảnh: có thể sử dụng các bức tranh ảnh về đồ vật và các hoạt động để giúp trẻ giao tiếp. Việc sử dụng các bức tranh, ảnh nhằm mục đích làm giảm sự tức giận của con bạn và cải thiện khả năng cho bạn biết nhu cầu và mong muốn của con bạn. Bé có thể làm việc đó bằng cách chỉ hoặc cầm tay bạn chỉ vào bức tranh hoặc bé có thể sử dụng tranh ảnh thay cho lời nói. Đối với hầu hết các trẻ, việc sử dụng tranh ảnh chỉ là tạm thời, nhưng một vài trẻ có thể sử dụng tranh ảnh lâu dài hơn.
- Từng mảnh một: Bạn có thể sử dụng chiến lược này khi chơi với các đồ chơi hoặc đồ vật có nhiều mảnh. Đừng cho trẻ các mảnh ngay lập tức. Hãy giữ lại một số mảnh để khuyến khích trẻ giao tiếp.
- Hỗ trợ để khuyến khích trẻ: Dạng hỗ trợ sẽ thay đổi dựa trên sự đáp ứng của trẻ. Nếu bạn muốn trẻ chọn một đồ vật mà bạn nói tên. Sự hỗ trợ có thể là bạn đưa đồ vật tới gần trẻ hơn. Nếu bạn muốn trẻ sử dụng một ký hiệu, sự hỗ trợ có thể là giúp bé nắm tay để làm ký hiệu. Nếu bạn muốn trẻ nói một từ hoặc một ngữ, sự hỗ trợ có thể là đưa cho trẻ hai sự lựa chọn.
- Hỗ trợ lời nói của người lớn sử dụng tranh ảnh: Nhằm giúp trẻ hiểu bạn đang nói gì dùng các bức tranh ảnh khi bạn nói. Ví dụ, nếu bạn đang hỏi xem bé có muốn uống cái gì không. Bạn sẽ có thể nói “uống” và chỉ vào bức tranh có thứ uống đó (ví dụ, một cốc sữa)
- Đặt câu hỏi: Đặt các câu hỏi phù hợp với tình huống. Hãy cố gắng không hỏi các câu hỏi có/ không nếu bạn muốn trẻ nói nhiều hơn với bạn, hãy cố gắng đặt các câu hỏi mở như “con gấu sống ở đâu” hoặc “mẹ/cô có thể làm điều đó như thế nào?”. Tuy nhiên đôi khi bạn cũng cần đặt câu hỏi có/ không khi bạn đặc biệt muốn cố gắng cải thiện độ chính xác của các câu trả lời có/ không của trẻ. Nếu bạn thực sự muốn như vậy. Bạn chỉ cần hỏi các câu hỏi có/ không đơn giản. Ví dụ, “con có muốn uống sữa không”.
- Làm cho công việc khó khăn hơn: Kỹ thuật này để can thiệp một cách có chủ định vào việc hoàn thành tốt một hoạt động nào. Ví dụ như, giấu một mảnh hình trong bộ xếp hình đi. Bạn cũng có thể đưa cho trẻ một thứ khác với thứ mà bé muốn. Ví dụ, bạn có thể đưa cho con bạn một cù cà rốt trong khi bé lại muốn một cái bánh quy. Việc này sẽ tạo ra một tình huống nhằm khích lệ trẻ sử dụng từ/ ký hiệu để giao tiếp/ nói lên những mong muốn và nhu cầu của trẻ với bạn. Sau khi đã tạo ra tình huống làm trẻ chưa thể hoàn thành hoạt động, bạn phải đảm bảo chắc chắn là bạn đang khích lệ trẻ sử dụng từ/ ký hiệu để chỉ cho bạn thấy những gì trẻ muốn nhưng sau đó bạn cũng phải chắc chắn là con bạn có thể hoàn thành hoạt động đó. Công việc này cần phải được thực hiện một cách thận trọng và ở một chừng mực nhất định nhằm tránh cho trẻ có cảm giác miễn cưỡng khi thử một hành động cụ thể.
- Tự nói chuyện với tranh: Tự nói là một cách tự tường thuật về hành động của mình. Ví dụ, khi bạn đang lái xe, bạn nói những điều như “Mình sẽ dừng lại”, “Mình sẽ đi”….
- Ngôn ngữ ký hiệu: Ngôn ngữ ký hiệu là ngôn ngữ sử dụng một hệ thống cử chỉ, điệu bộ để giao tiếp. Có thể sử dụng ký hiệu với trẻ chậm nói hoặc rối loạn lời nói nhằm làm giảm bớt đi sự bực bội và cho bé giao tiếp để thể hiện mong muốn và nhu cầu của bé. Đối với một số trẻ, có thể sử dụng ngôn ngữ ký hiệu một cách tạm thời như một cách để giúp cho giao tiếp được thuận lợi hơn. Ngôn ngữ ký hiệu thường giúp lời nói phát triển tốt hơn. Đối với một số trẻ khác, có thể sử dụng ngôn ngữ ký hiệu lâu hơn. Nếu trẻ chưa thể nói tốt, hãy khuyến khích trẻ dùng ký hiệu/ điệu bộ thay cho lời nói.
- Hỗ trợ lời nói của người lớn bằng ký hiệu/ điệu bộ, nhằm giúp con bạn hiểu những gì bạn đang nói. Dùng cử chỉ điệu bộ hoăc/ và chỉ tay khi bạn nói. Ví dụ, nếu trẻ muốn uống nước, bạn có thể hỏi “con muốn uống à?” đồng thời dùng ký hiệu “uống” hoặc hỏi “con muốn uống nước à?”và chỉ tay vào cốc nước.
- Dùng đồ vật cùng thay cho lời nói, nếu mục tiêu là ngôn ngữ biểu đạt, nhưng trẻ chưa thể nói tốt, hảy khuyến khích trẻ chỉ vào một vật đồng thời nói hoặc thay cho việc nói từ.
- Phá vỡ thói quen, sau khi trẻ đã quen với nếp sinh hoạt hằng ngày, hãy chủ động làm một điều gì đó làm thay đổi điều mà trẻ có thể đoán trước được mà hoàn toàn không cho trẻ biết trước (ví dụ đi giày cho trẻ sau đó lại lấy tất đi cho trẻ).
- Đợi và quan sát, sau khi đã bắt đầu một trò chơi hoặc đặt một câu hỏi, hãy đợi và cho trẻ có thời gian để trả lời.
- Giữ lại một đồ vật để nhận được phản ứng mong muốn, nếu bạn muốn trẻ tang cường ngôn ngữ biểu đạt (ví dụ điệu bộ, dấu hiệu, các hệ thống tranh, từ ngữ). Đừng đưa cho trẻ những gì trẻ mong muốn cho đến khi trẻ cho bạn phản ứng mong muốn.
Bài viết liên quan: