THỰC TRẠNG SỬ DỤNG TRỊ LIỆU HOẠT ĐỘNG TRONG CÁC CƠ SỞ CAN THIỆP CHO TRẺ RỐI LOẠN PHÁT TRIỂN

Kết quả hình ảnh cho TÀI LIỆU

THỰC TRẠNG SỬ DỤNG TRỊ LIỆU HOẠT ĐỘNG TRONG CÁC CƠ SỞ CAN THIỆP CHO TRẺ RỐI LOẠN PHÁT TRIỂN

Nhóm tác giả:

  1. Trần Văn Công,Trường Đại học Giáo dục, ĐHQGHN

ThS. Nguyễn Thị Duyên,Trường chuyên biệt Từ Sơn, Bắc Ninh

ThS. Hoàng Ngọc Khuyến,Trung tâm Thiên thần nhỏ Ninh Bình

 

 

  1. Đặt vấn đề

Theo DSM-5 (APA, 2013), rối loạn phát triển thần kinh bao gồm các rối loạn như: khuyết tật trí tuệ, các rối loạn giao tiếp, rối loạn phổ tự kỷ, rối loạn tăng động/ giảm chú ý, rối loạn học biệt định, rối loạn vận động, v.v.

Trên thế giới, thống kê dịch tễ học đã cho thấy tỷ lệ các rối loạn phát triển tại nhiều quốc gia cụ thể như: Tại Mỹ, tỷ lệ trẻ rối loạn phổ tự kỷ theo thống kê là 1/68 (theo CDC[1], 2014), có 11% trẻ em ở độ tuổi 4 – 17 tuổi chẩn đoán bị tăng động giảm chú ý năm 2011. Tỷ lệ trẻ rối loạn phát triển từ 3 – 17 tuổi tăng từ 12,84% đến 15,04% qua 12 năm (1997–2008). Tỷ lệ trẻ rối loạn phổ tự kỷ, rối loạn tăng động giảm chú ý, và trễ về phát triển khác đều tăng lên (Boyle và cộng sự, 2011). Tại Việt Nam, theo thống kê, có khoảng 1,2 triệu trẻ khuyết tật, trong đó tỉ lệ trẻ khuyết tật trí tuệ chiếm 27,0% (Vũ Tiến Thành, 2011), hay trong khoảng 15 năm trở lại đây, số lượng trẻ ở Việt Nam mắc chứng tự kỷ gia tăng đáng kể(theo Đậu Tuấn Nam và cộng sự, 2015).

Trước tỷ lệ trẻ được chẩn đoán có rối loạn phát triển có xu hướng tăng lên như vâỵ, việc tìm hiểu các biện pháp can thiệp, điều trị hiệu quả cho trẻ là vô cùng cần thiết. Trong việc điều trị, can thiệp cho trẻ có rối loạn phát triển, có rất nhiều phương pháp khác nhau. Một trong các liệu pháp được sử dụng trong can thiệp cho trẻ là trị liệu hoạt động. Nghiên cứu đã cho thấy can thiệp sớm thông qua trị liệu hoạt động có lợi trong việc hỗ trợ trẻ khuyết tật phát triển (Johnson & Ethridge, 1989). Tiền đề của can thiệp sớm là các dịch vụ hoặc những can thiệp trong cuộc sống có thể giúp hỗ trợ phát triển kỹ năng và giảm thiểu tác động của tình trạng khuyết tật về phát triển (Case-Smith, 2013). Các nhà trị liệu hoạt động đã có thời gian làm việc lâu dài với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ khuyết tật và trễ về phát triển. Nhà trị liệu hoạt động có vai trò dẫn dắt trong việc cung cấp can thiệp cho trẻ tại các môi trường khác nhau như bệnh viện, nhà, cộng đồng và trường học (Case-Smith, 2013).

Bài viết này tập trung tìm hiểu, phân tích, góp phần đưa ra cái nhìn toàn diện hơn về thực trạng sử dụng trị liệu hoạt động trong can thiệp cho trẻ rối loạn phát triển tại các nước trên thế giới và tại Việt Nam.

  1. Trị liệu hoạt động

Về cơ bản, trị liệu hoạt động là liệu pháp sử dụng các hoạt động sống hàng ngày (các hoạt động) với cá nhân hoặc nhóm nhằm tăng cường hoặc làm cho họ có khả năng tham gia vào các vaitrò, sở thích, các lịch trình ở nhà, ở trường, ở nơi làm việc, ở trong cộng đồng và các môi trường khác. Nhà trị liệu hoạt động sử dụng kiến thức của họ về mối quan hệ mang tính qua lại[2] giữa mọi người, sự tham gia của một người vào các hoạt động có ý nghĩa và bối cảnhđể thiết kế các kế hoạch can thiệp dựa trên hoạt động tạo điều kiện cho sự thay đổi hoặc phát triển của các yếu tố từ phía thân chủ (các chức năng cơ thể, cấu trúc cơ thể, các giá trị, niềm tin, và tinh thần) và các kỹ năng (vận động, xử lý, tương tác xã hội) cần thiết cho sự tham gia một cách thành công (AOTA[3], 2014).

Về quy trình, trị liệu hoạt động gồm 3 bước lớn bao gồm đánh giá, can thiệp và hướng tới kết quả[4]. Cụ thể, trong quy trình đánh giá: (1) Hồ sơ hoạt động, là bước đầu tiên trong quá trình đánh giá, cung cấp sự hiểu biết về lịch sử và trải nghiệm hoạt động của khách hàng, mô hình hoá cuộc sống hàng ngày, sở thích, các giá trị và nhu cầu. Lý do tìm kiếm dịch vụ của khách hàng, thế mạnh và mối quan tâm liên quan đến hoạt động và các hoạt động sinh hoạt, khu vực hoạt động tiềm năng, hỗ trợ và rào cản, và các ưu tiên cũng được xác định; (2) Phân tích việc thể hiện hoạt động, làbước thực hiện trong quá trình đánh giá khi các vấn đề của khách hàng hoặc các vấn đề tiềm năng được xác định cụ thể, sau đó, xác định được kết quả mục tiêu. Trong quy trình can thiệp, (1) Kế hoạch can thiệp – Kế hoạch can thiệp sẽ dẫn dắt các hành động được thực hiện và được phát triển cùng với sự hợp tác với khách hàng. Nó dựa trên lý thuyết được lựa chọn, các tài liệu tham khảo và bằng chứng. Lúc này, kết quả mục tiêu đã được xác nhận; (2) Can thiệp, thực hiện tạo ảnh hưởng và hỗ trợ sự cải thiện và tham gia vào hoạt động của khách hàng. Các can thiệp được hướng vào kết quả mục tiêu. Phản ứng của khách hàng được theo dõi và ghi chép lại; (3) Xem xét lại can thiệp: xem xét lại kế hoạch can thiệp và quá trình đi đến kết quả mục tiêu.Cuối cùng trong quy trình là việc hướng đến kết quả, đây là yếu tố quyết định sự thành công trong việc đạt được kết quả cuối cùng của quá trình trị liệu hoạt động. Thông tin đánh giá kết quả được sử dụng để lập kế hoạch trong tương lai với các khách hàng và đánh giá các dịch vụ (ví dụ: đánh giá chương trình) (AOTA, 2014).

  1. Thực trạng sử dụng trị liệu hoạt động trong các cơ sở can thiệp cho trẻ rối loạn phát triển

Tại Canada, theo dữ liệu của CAOT[5], trong tổng số 5440 thành viên, có 19,1% báo cáo họ làm việc với trẻ lứa tuổi mầm non và 28,6% làm việc với trẻ ở lứa tuổi đi học. Trong đó, 23,8% tổng số thành viên làm việc trong lĩnh vực khuyết tật phát triển. Tỷ lệ nhà trị liệu hoạt động tham gia làm việc trong lĩnh vực khuyết tật phát triển khá đa dạng, phổ biến trên cả nước.

Theo nghiên cứu của Majnemer và cộng sự (2002), trong tổng số 129 trẻ có khó khăn về phát triển, có 65 trẻ (chiếm 50%) nhận dịch vụ trị liệu hoạt động. Đa số các dịch vụ trị liệu hoạt động được cung cấp ở môi trường bệnh viện (chiếm 73%), một số trẻ sử dụng dịch vụ cá nhân tại nhà (chiếm 17%) hoặc tại các trung tâm can thiệp (chiếm 8%), chỉ một số ít trẻ sử dụng dịch vụ này từ cộng đồng (chiếm 2%).Theo Law (2006), tại Canada, trị liệu hoạt động cho trẻ rối loạn phổ tự kỷ tập trung vào hai lĩnh vực chính là tích hợp cảm giác vận động và phát triển kỹ năng nói chung (Law, 2006). Nghiên cứu tại 4 trung tâm chuyên biệt dành cho trẻ có nhu cầu đặc biệt tại Canada, kết quảkhảo sát 235 phụ huynh về phương pháp điều trị chocon đã cho thấy trị liệu hoạt động là phương pháp được sử dụng thường xuyên nhất trong việc điều trị, can thiệp cho trẻ tự kỷ, chỉ đứng sau trị liệu về ngôn ngữ (McLennan và cộng sự, 2008).

Tại Mỹ, theo Đạo luật Giáo dục cho người khuyết tật (IDEA[6]),Sec. 300.34có đề cập đến trị liệu hoạt động thuộc các dịch vụ liên quan cho trẻ khuyết tật. Trong đó, trị liệu hoạt động là dịch vụ được cung cấp bởi các nhà trị liệu hoạt động đủ tiêu chuẩn, gồm: Cải thiện, phát triển, phục hồi chức năng bị suy yếu hoặc mất đi do bệnh tật, chấn thương; Cải thiện khả năng thực hiện nhiệm vụ cho các hoạt động độc lập nếu chức năng đang bị suy giảm hoặc mất đi; và phòng ngừa sự suy yếu hoặc mất chức năng thông qua can thiệp sớm. Điều luật này được áp dụng cho trẻ khuyết tật tại các bang, những người có nhu cầu về trị liệu hoạt động như một dịch vụ liên quan là: người thiểu năng trí tuệ, khiếm thính (điếc), suy giảm chức năng ngôn ngữ – lời nói, khiếm thị (mù), rối loạn cảm xúc nghiêm trọng, chấn thương chỉnh hình, tự kỷ, chấn thương sọ não, khiếm khuyết sức khỏe khác, khuyết tật học tập biệt định, điếc và mù/ đa tật, trễ về phát triển.

Nghiên cứu của Watling và cộng sự (1999) đã cho thấy, theo các nhà trị liệu hoạt động cho trẻ tự kỷ từ 2 đến 12 tuổi tại Mỹ, mô hình thực hành thường gồm có sự hợp tác với các chuyên gia trong việc đánh giá và can thiệp. Dịch vụ can thiệp thường được sử dụng là can thiệp một – một với các kỹ thuật phổ biến nhất là điều hòa cảm giác (99%) và củng cố tích cực (93%). Lý thuyết mà các nhà trị liệu hoạt động tiếp cận gồm có điều hoà cảm giác (chiếm 99%), lý thuyết phát triển (chiếm 88%), và hành vi (chiếm 73%). Sử dụng điều hoà cảm giác trong trị liệu hoạt động rất phổ biến.

Nghiên cứu của Stahmer và cộng sự (2005) đã cho thấy thực trạng sử dụng các chương trình can thiệp sớm cho trẻ tự kỷ, trong đó có trị liệu hoạt động, được mô tả từ người cung cấp dịch vụ trong cộng đồng (người cung cấp dịch vụ can thiệp tại nhà và tại trung tâm),cụ thể:

Bảng 1 – Thực trạng sử dụng các chương trình can thiệp sớm cho trẻ tự kỷtại Mỹ (Stahmer và cộng sự, 2005)

 

 

Chương trìnhcan thiệp

 

% (số lượng)

Tỷ lệ phần trăm khách thể sử dụng các chương trình
Chương trình 0-3 tuổi

45% (10)

Chương trình 3-5 tuổi

55% (12)

Tổng cộng

100% (22)

Phân tích hành vi ứng dụng (ABA)60 (6)83 (10)73 (16)
Đào tạo phép thử cụ thể (DTT)50 (5)75 (9)64 (14)
Thời gian dưới sàn (Floortime)70 (7)67 (8)68 (15)
Trị liệu hoạt động (Occupational Therapy)50 (5)100 (12)77 (17)
Âm nhạc trị liệu (Music therapy)20 (2)25 (3)23 (5)
Hệ thống trao đổi hình ảnh90 (9)100 (12)95 (21)
Đào tạo phản hồi then chốt30 (3)33 (4)32 (7)
Ngôn ngữ ký hiệu50 (5)50 (6)50 (11)
Câu chuyện xã hội30 (3)17 (2)23 (5)
Điều trị và giáo dục cho trẻ tự kỷ và các khuyết tật về giao tiếp (TEACCH)30 (3)75 (9)55 (12)
Sử dụng tối thiểu các chương trình can thiệp10 (1)25 (3)18 (4)

 

Theo Miller và cộng sự (2007), trong 50.000 nhà trị liệu hoạt động tại Mỹ, có 33% tổng số nhà trị liệu hành nghề trong lĩnh vực nhi khoa (AOTA, 1996). Chi phí trị liệu hoạt động ước tính như sau: chi phí đánh giá trong trị liệu hoạt động sử dụng cơ sở là điều hoà cảm giác khoảng 500$ đến 1000$, chi phí can thiệp khoảng 80$ đến 180$ cho 1 buổi từ 40 – 60 phút (Những con số về chi phí này được ước tính từ hồ sơ tại ba bệnh viện nhi lớn và từ ba cơ sở thực hành trị liệu hoạt động – điều hoà cảm giác tư nhân lớn nhất tại Mỹ năm 2005) (theo Miller, Coll & Schoen, 2007).

Tại Úc, nghiên cứu tìm hiểu vai trò của trị liệu hoạt động cho trẻ khuyết tật phát triển từ 0 – 6 tuổi của Dall’Alba và cộng sự (2014) đã cho thấy tầm quan trọng của thực hành trị liệu hoạt động lấy gia đình làm trung tâm khi làm việc với trẻ có khuyết tật phát triển, và việc sử dụng liệu pháp chơi giống như lĩnh vực chủ chốt của nhà trị liệu hoạt động khi làm việc với nhóm trẻ này. Hai biện pháp can thiệp này được xem là thực hành trị liệu tốt nhất cho khuyết tật phát triển nói chung. Các lĩnh vực khác của trị liệu hoạt động cũng thường được xác định là các hoạt động sống hàng ngày, vận động thô và vận động tinh, giao tiếp. Nghiên cứu này nhấn mạnh vai trò của nhà trị liệu hoạt động trong nhóm can thiệp sớm.

Không chỉ có vậy, kết quả của một cuộc khảo sát trên 2.547 nhà trị liệu hoạt động cho thấy trong 818 người, có 235 người cung cấp dịch vụ trị liệu hoạt động cho khách hàng là người rối loạn phổ tự kỷ, với tỷ lệ trẻ em nhận dịch vụ này nhiều hơn thanh thiếu niên hay người lớn.Khi được hỏi về mức độ tự tin và cảm nhận, khó khănthách thức khi làm việc với người rối loạn phổ tự kỷ, kết quả nghiên cứu cho thấy: về mức độ tự tin, có 17% nhà trị liệu hoạt động cảm thấy tự tin, 30% cảm thấy khá tự tin, 30% cảm thấy phân vân, 18% cảm thấy khá mất tự tin, và 5% cảm thấy không tự tin, có 60% tổng số khách thể thấy rằng làm việc trong lĩnh vực tự kỷ có nhiều thách thức hơn so với các lĩnh vực khác. Nhà trị liệu hoạt động thường gặp những khó khăn, thách thức khi làm việc trong lĩnh vực tự kỷ như sự phức tạp của các rối loạn, quản lý hành vi thách thức, ứng phó với sự căng thẳng của người khác, v.v. Xem xét các yếu tố dự đoán mức độ tự tin của nhà trị liệu hoạt động làm việc trong lĩnh vực tự kỷ, kết quả cho thấy số năm làm việc với rối loạn phổ tự kỷ, số năm làm trị liệu hoạt động và tần suất kết nối mặt đối mặt trực tiếp với các nhà trị liệu hoạt động khác là yếu tố độc lập dự đoán có ý nghĩa thống kê(Ashburner, Rodger, Ziviani, Jones, 2014).

Tại Anh, một cuộc khảo sát toàn quốc được thực hiện để xem xét về mức độ tham gia của trị liệu hoạt động vào các dịch vụ cho trẻ tăng động giảm chú ý, kết quả cho thấy có 8,5% tổng số khách thể là nhà trị liệu hoạt động (N=282) đã tham gia vào các dịch vụ được chỉ định cho trẻ tăng động giảm chú ý (Chu, 2003).

Tại Việt Nam, trong phạm vi tìm kiếm của chúng tôi, hiện nay chưa có nghiên cứu hay con số thống kê chính xác về việc sử dụng trị liệu hoạt động cho trẻ rối loạn phát triển trong các cơ sở can thiệp.

Như vậy, có thể thấy, tại một số quốc gia trên thế giới, trị liệu hoạt động được sử dụng khá phổ biến, được sử dụng trong nhiều môi trường khác nhau, không chỉ ở các trung tâm mà còn được sử dụng trong can thiệp tại nhà, bệnh viện, trong can thiệp dựa trên trường học, cộng đồng. Số lượng nhà trị liệu hoạt động làm việc trong lĩnh vực can thiệp cho trẻ có rối loạn phát triển chiếm một tỷ lệ không nhỏ. Trị liệu hoạt động thường được sử dụng cùng với điều hoà cảm giác. Trị liệu hoạt động được xem như biện pháp can thiệp có liên quan, bổ sung trong can thiệp cho trẻ có rối loạn phát triển.

  1. Tổ chức và phương pháp nghiên cứu

Nghiên cứu này sử dụng một số phương pháp nghiên cứu chính như sau: Phương pháp điều tra xã hội học, phỏng vấn và nghiên cứu tài liệu. Trong đó, phương pháp điều tra xã hội học được tiến hành dưới dạng bảng hỏi điều tra trên số cán bộ, giáo viên đang công tác tại các cơ sở can thiệp cho trẻ có rối loạn phát triển; phương pháp phỏng vấn được tiến hành dưới dạng thiết kế các câu hỏi và hỏi trực tiếp lãnh đạo của các Trung tâm đang can thiệp cho trẻ rối loạn phát triển.

Nhóm tác giả tiến hành nghiên cứu trên 86 cán bộ, giáo viên đang công tác tại 6 cơ sở can thiệp cho trẻ có rối loạn phát triển bao gồm: Trung tâm nghiên cứu ứng dụng khoa học tâm lý giáo dục Hừng Đông, Hà Nội; Trung tâm Trí Đức – Hà Nội; Trung tâm Phương Thanh-  Hà Nội; Cơ sở mầm non chuyên biệt Từ Sơn, Bắc Ninh; Trung tâm Thiên thần nhỏ Ninh Bình; Trung tâm Phúc Tâm An, Thanh Hóa. Trong tổng số khách thể nghiên cứu là 86 người:

– Về tỷ lệ giới tính: có 3 nam (chiếm 3,7% và 78 nữ chiếm 96,3%. Điều này cho thấy, nữ giới chiếm tỷ lệ đông đảo trong lĩnh vực can thiệp cho trẻ đặc biệt này.

-Về số năm kinh nghiệm: Người có số năm kinh nghiệm nhiều nhất trong lĩnh vực can thiệp cho trẻ đặc biệt là 7 năm (chiếm tỷ lệ 2,3%); thấp nhất là dưới 1 năm (chiếm tỷ lệ 20,9%).

– Về ngành học: Ngành học chiếm tỷ lệ đông đảo nhất là công tác xã hội 18 người (chiếm tỷ lệ 20,9%), tiếp đến là giáo dục đặc biệt: 10 người (chiếm tỷ lệ 11,6%); còn lại là rải rác các ngành tâm lý giáo dục, tâm lý học, giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học…

Ngoài 86 khác thể là cán bộ, giáo viên đang công tác tại 6 trung tâm nêu trên, chúng tôi còn tiến hành phỏng vấn 8 lãnh đạo của các trung tâm: Trung tâm nghiên cứu ứng dụng khoa học tâm lý giáo dục Hừng Đông, Hà Nội; Trung tâm Trí Đức – Hà Nội, Trung tâm Phương Thanh –  Hà Nội, Cơ sở mầm non chuyên biệt Từ Sơn, Bắc Ninh, Trung tâm Thiên thần nhỏ Ninh Bình, Trung tâm Phúc Tâm An, Thanh Hóa; Trung tâm Từng bước nhỏ, Hải Phòng, Trung tâm Chuyên biệt Minh Anh, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An.

Tất cả các phương pháp được sử dụng trong nghiên cứu đều bao gồm công cụ được thiết kế chi tiết, rút ra từ các nghiên cứu trong và ngoài nước, và từ trải nghiệm công việc từ chính nhóm nghiên cứu.

  1. Thực trạng sử dụng trị liệu hoạt động tại các cơ sở can thiệp trẻ rối loạn phát triển ở Việt Nam

Thực trạng sử dụng các phương pháp can thiệp cho trẻ có rối loạn phát triển

Để tìm hiểu thực trạng các phương pháp can thiệp cho trẻ rối loạn phát triển, nhóm nghiên cứu đã tiến hành liệt kê các phương pháp can thiệp và mức độ sử dụng của các phương pháp trong quá trình can thiệp cho trẻ tại các cơ sở can thiệp. Kết quả cho thấy: Ba phương pháp được cán bộ/ giáo viên sử dụng nhiều nhất trong can thiệp cho trẻ là phương pháp phân tích hành vi ứng dụng (ABA) (M=1,89), sau đó là điều trị và giáo dục cho trẻ tự kỷ và các khuyết tật về giao tiếp (TEACCH) (M=1,57), và điều hoà cảm giác (M=1,56). Các phương pháp ít được sử dụng nhất là Đào tạo phản hồi then chốt (PRT) (M=0,50), câu chuyện xã hội (M=1,11) và trị liệu âm nhạc (M=1,15). Phương pháp trị liệu hoạt động (OT) chưa được sử dụng nhiều trong can thiệp cho trẻ tại các cơ sở can thiệp (M= 1,31). Điều này phản ánh phương pháp trị liệu hoạt động chưa được quan tâm và xem trọng trong quá trình can thiệp trẻ rối loạn phát triển tại các cớ sở can thiệp. Phải chăng, việc nhận thức về trị liệu hoạt động ở các cơ sở can thiệp trẻ có rối loạn phát triển còn dừng lại ở mức độ nhất định hay tính hiệu quả của phương pháp này chưa cao?

Nhận thức về trị liệu hoạt động

Nhóm nghiên cứu đã tiến hành phương pháp phỏng vấn 8 lãnh đạo cơ sở can thiệp trẻ rối loạn phát triển để tìm hiểu các cơ sở có sử dụng phương pháp trị liệu hoạt động hay không. Kết quả 4/8 cơ sở (chiếm 50%) có biết về phương pháp trị liệu hoạt động nhưng chỉ có 01/8 cơ sở có sử dụng phương pháp trị liệu hoạt động. Tuy nhiên, khi tiến hành tìm hiểu vấn đề trên thông qua đội ngũ cán bộ, giáo viên, kết quả khảo sát cho thấy đa số cán bộ/ giáo viên (chiếm 88,1% tổng số khách thể) nói rằng cơ sở nơi họ làm việc có sử dụng phương pháp trị liệu hoạt động, chỉ có 10 người (chiếm 11,9%) không sử dụng phương pháp này.

Nguồn thông tin về phương pháp điều trị hoạt động được các cán bộ/giáo viên tiếp cận chủ yếu thông qua nghe người khác là phụ huynh, bạn bè, người thân, đồng nghiệp (M=1,62), từ các phương tiện truyền thông như: báo chí, đài, internet (M=1,29) và tham gia các buổi tập huấn về trị liệu hoạt động (M= 1,27). Bên cạnh đó, các cán bộ, giáo viên cho rằng, họ đã từng tham gia chương trình đào tạo về trị liệu hoạt động tại nơi cho đang công tác được lựa chọn nhiều nhất (M=0,54) và từ các chương trình hội thảo, tập huấn về trị liệu hoạt động (M= 0,37); nhiều người trả lời chưa từng tham gia chương trình nào về trị liệu hoạt động (M=37).

Từ kết quả nghiên cứu trên, phản ánh rằng các cán bộ, giáo viên đang hiểu chưa thực sự rõ ràng về trị liệu hoạt động. Trong quá trình can thiệp trẻ rối loạn phát triển, một số cơ sở, cán bộ có sử dụng đến các bài tập trong trị liệu hoạt động như: điều hòa cảm giác, kỹ năng vận động tinh, kỹ năng vận động thô…Tuy nhiên, đó không phải là phương pháp trị liệu hoạt động. Khi được hỏi về trị liệu hoạt động gồm những hoạt động nào, có 3 hoạt động được các cán bộ, giáo viên lựa chọn nhiều nhất là: các hoạt động trong cuộc sống hàng ngày (M= 0,87); hoạt động chơi (M=0,73) và hoạt động tham gia vào xã hội (M=0,56). Hoạt động ít được lựa chọn nhất là hoạt động làm việc (M=0,33).

Kết quả nghiên cứu trên cho thấy, đội ngũ cán bộ/ giáo viên chưa thực sự hiểu và nhận biết đầy đủ về trị liệu hoạt động là một phương pháp can thiệp, chưa hiểu đầy đủ về các nội dung trong trị liệu hoạt động cho trẻ rối loạn phát triển cũng như việc chưa được cung cấp thông tin chính thống về phương pháp này trong trị liệu cho trẻ rối loạn phát triển.

          Việc sử dụng phương pháp trị liệu hoạt động tại các cơ sở

Nhằm tiếp tục tìm hiểu và nghiên cứu sâu hơn về thực trạng sử dụng phương pháp trị liệu hoạt động trong can thiệp cho trẻ rối loạn phát triển, thông qua bảng hỏi, bằng phương pháp điều tra xã hội học, chúng tôi tìm hiểu về mức độ sử dụng phương pháp trị liệu hoạt động cho trẻ trong các cơ sở can thiệp trẻ rối loạn phát triển. Kết quả cho thấy: Ba loại khuyết tật mà cán bộ, giáo viên các cơ sở sử dụng phương pháp trị liệu hoạt động nhiều nhất là: Rối loạn tăng động giảm chú ý (M=0,74), chậm (trễ) về phát triển (M=0,69) và rối loạn phổ tự kỷ (M=0,60). Việc sử dụng trị liệu hoạt động có áp dụng cho cả can thiệp cá nhân (chiếm 60,5%); và can thiệp nhóm (chiếm 45,3%). Kết quả nghiên cứu cho thấy, cán bộ, giáo viên các cơ sở tự tin trong việc sử dụng phương pháp trị liệu hoạt động trong can thiệp cho trẻ rối loạn phát triển (chiếm 50%); có 10,7 % cán bộ, giáo viên hoàn toàn không tự tin khi sử dụng phương pháp nêu trên.

Về độ tuổi được sử dụng phương pháp trị liệu hoạt động (OT), theo các cán bộ/giáo viên tại các cơ sở, có 3 độ tuổi được sử dụng phương pháp này nhiều nhất là từ 3-5 tuổi 11 tháng (M=0,74); từ 6 đến 9 tuổi 11 tháng (M=0,38) và từ 0 đến 2 tuổi 11 tháng (M=0,36).

Để tìm hiểu các cán bộ, giáo viên sử dụng phương pháp trị liệu hoạt động trong việc dạy kỹ năng nào cho trẻ, có 3 kỹ năng được lựa chọn ở mức độ cao nhất là kỹ năng vận động thô (M=2,30); kỹ năng vận động tinh (M=2,25) và kỹ năng tương tác xã hội (M=2,05).

Tuy nhiên, khi được hỏi về việc sử dụng phương pháp này tại các cơ sở, phần lớn các cán bộ, giáo viên cho rằng đây chỉ là một phương pháp hỗ trợ (chiếm tỷ lệ 58,1%); chỉ có 14% số cán bộ, giáo viên được hỏi cho rằng có sử dụng phương pháp này như một phương pháp can thiệp chính.

Quy trình sử dụng trị liệu hoạt động

Việc hiểu, nắm rõ quy trình trị liệu hoạt động OT phản ánh mức độ nhận thức và thực trạng sử dụng phương pháp này của cán bộ, giáo viên các cơ sở, chúng tôi tiến hành tìm hiểu về quy trình sử dụng trị liệu hoạt động (OT), của các cán bộ, giáo viên tại các cơ sở. Kết quả cho thấy, quy trình được cán bộ, giáo viên lựa chọn nhiều nhất là trị liệu hoạt động có thể sử dụng để can thiệp trong các môi trường khác nhau: nhà, trường học, bệnh viện (M=2,82); Quá trình đánh giá tập trung tìm hiểu nhu cầu và mong muốn của trẻ, xác định những gì trẻ có thể làm và đã làm được và xác định những yếu tố giúp hỗ trợ (M=2,55) và về quy trình trị liệu hoạt động gồm 3 bước lớn bao gồm đánh giá, can thiệp và hướng tới (đánh giá) kết quả (M=2,54).

Kết quả trên cho thấy, các cán bộ, giáo viên các cơ sở chưa thực sự hiểu rõ về quy trình ba bước đánh giá, can thiệp và hướng tới (đánh giá) kết quả nên dẫn đến việc lựa chọn chưa chính xác về quy trình sử dụng trị liệu hoạt động (OT).

Có thể thấy rằng, do nhận thức chưa đúng và chưa đầy đủ về phương pháp trị liệu hoạt động nên việc sử dụng phương pháp này trong các cơ sở dường như chưa được thực hiện một cách chính thống và bài bản. Việc sử dụng mới chỉ dừng lại ở một số khía cạnh nhất định của phương pháp trị liệu hoạt động.

  1. Kết luận và bàn luận

Từ kết quả nghiên cứu trên 86 khách thể là cán bộ, giáo viên và 8 lãnh đạo các cơ sở đang can thiệp cho trẻ rối loạn phát triển thuộc địa bàn các tỉnh, thành Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Phòng, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An; chúng tôi nhận thấy rằng phương pháp trị liệu hoạt động chưa được đào tạo chính thống và chưa được hiểu một cách đầy đủ, chưa được coi trọng tại các cơ sở can thiệp trẻ rối loạn phát triển. Do đó, việc cung cấp phương pháp trị liệu hoạt động cho đội ngũ cán bộ, giáo viên các cơ sở và đưa nó vào trị liệu như một trong các phương pháp chính tại các cơ sở là điều hết sức cần thiết. Tuy nhiên, dù can thiệp theo phương pháp nào cũng đều phải đảm bảo đó là một phương pháp đã được khoa học kiểm chứng, phải đảm bảo đầy đủ các quy trình: đánh giá, can thiệp, giám sát và hướng tới kết quả nhằm mục tiêu vì sự tiến bộ của trẻ trong từng giai đoạn và trong suốt quá trình can thiệp.

Tài liệu tham khảo

  • American Psychiatric Association. (2013). Diagnostic and Statistical Manual of Mental Disorders – 5. American Psychiatric Association.
  • Ashburner, J., Rodger, S., Ziviani, J., & Jones, J. (2014). Occupational therapy services for people with autism spectrum disorders: Current state of play, use of evidence and future learning priorities.Australian occupational therapy journal61(2), 110-120.
  • Boyle, C. A., Boulet, S., Schieve, L. A., Cohen, R. A., Blumberg, S. J., Yeargin-Allsopp, M., … & Kogan, M. D. (2011). Trends in the prevalence of developmental disabilities in US children, 1997–2008. Pediatrics127(6), 1034-1042.
  • Case-Smith, J. (2013). Systematic reviews of the effectiveness of interventions used in occupational therapy early childhood services. American Journal of Occupational Therapy67(4), 379-382.
  • Chu, S. (2003). Occupational therapy for children with attention deficit hyperactivity disorder: a survey on the level of involvement and training needs of therapists. The British Journal of Occupational Therapy66(5), 209-218.
  • Dall’Alba, L., Gray, M., Williams, G., & Lowe, S. (2014). Early Intervention in Children (0–6 Years) with a Rare Developmental Disability: The Occupational Therapy Role. Hong Kong Journal of Occupational Therapy24(2), 72-80.
  • Đậu Tuấn Nam, Vũ Hải Vân (2015), Chính sách đối với trẻ tự kỷ ở Việt Nam hiện nay, Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam, số 11(96).
  • Ethridge, D. A., & Johnson, J. A. (2013). Developmental disabilities: A handbook for occupational therapists. Routledge.
  • Majnemer, A., Shevell, M. I., Rosenbaum, P., & Abrahamowicz, M. (2002). Early rehabilitation service utilization patterns in young children with developmental delays. Child: care, health and development28(1), 29-37.
  • McLennan, J. D., Huculak, S., & Sheehan, D. (2008). Brief report: Pilot investigation of service receipt by young children with autistic spectrum disorders. Journal of autism and developmental disorders, 38(6), 1192-1196.
  • Miller, L. J., Coll, J. R., & Schoen, S. A. (2007). A randomized controlled pilot study of the effectiveness of occupational therapy for children with sensory modulation disorder. American Journal of Occupational Therapy61(2), 228-238.
  • Occupational Therapy Practice Framework: Domain & process 3rd edition. (2014). The American Journal of Occupational Therapy, 68, S1-S48.
  • Stahmer, A. C., Collings, N. M., & Palinkas, L. A. (2005). Early intervention practices for children with autism: Descriptions from community providers. Focus on Autism and Other Developmental Disabilities, 20(2), 66-79.
  • Vũ Tiến Thành (2011), Chính sách, chiến lược và kế hoạch phát triển hòa nhập ở Việt Nam.
  • Watling, R., Deitz, J., Kanny, E. M., & McLaughlin, J. F. (1999). Current practice of occupational therapy for children with autism. American Journal of Occupational Therapy53(5), 498-505.

 

[1] Centers for Disease Control and Prevention: Trung tâm phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh

[2] transactional relationship

[3] American Occupational Therapy Association: Hiệp hội trị liệu hoạt động Mỹ

[4] targeting of outcome

[5] Canadian Association of Occupational Therapists: Hiệp hội các nhà trị liệu hoạt động Canada

[6] Individuals with Disabilities Education Act: Đạo luật Giáo dục cho người khuyết tật